Chiều 22/4/2018 tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Berlin & Brandenburg ở Berlin đã diễn ra chương trình giới thiệu tập thơ „Những kỷ niệm tưởng tượng“ và giao lưu với tác giả, nhà thơ Trương Đăng Dung.
Chương trình giới thiệu tập thơ và giao lưu được Hội người Việt Nam tại Berlin & Brandenburg tổ chức nhân dịp nhà xuất bản „Europa“, NXB văn học hàng đầu Hungary ra mắt bản song ngữ Việt – Hung tập thơ này trong khuôn khổ Liên hoan sách quốc tế tại Budapest vừa qua. Bản dịch tập thơ ra tiếng Hungary do nhà thơ Giáp Văn Chung dịch dưới dạng văn xuôi và nhà thơ Háy János chuyển thể thành thơ. Đông đảo hội viên và những người yêu thích văn thơ trong cộng đồng người Việt ở Đức đã tới tham dự.
Sau phát biểu chào mừng của đại diện Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Berlin & Brandenburg, Tiến sĩ ngữ văn Trương Hồng Quang, MC của chương trình đã giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ Trương Đăng Dung cũng như giới thiệu về nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, người sẽ tham gia biểu diễn Guitar trong chương trình.
Theo TS Trương Hồng Quang, nhà thơ Trương Đăng Dung sinh ra tại Nghệ An, từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest và bảo vệ luận án tiến sĩ cũng ở Hungary. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, một trong những lý luận gia quan trọng về văn học hiện đại ở Việt Nam. Tập thơ „Những kỷ niệm tưởng tượng“ của nhà thơ Trương Đăng Dung khi ra mắt đã gây tiếng vang lớn và được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng năm 2011… Ông cũng là người đã dịch truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Hungary.
Nhà thơ Trương Đăng Dung cho biết, ông làm thơ với ý thức nghiêm túc. Trong mấy chục năm sáng tác ông chỉ chọn ra 25 bài cho tập thơ „Những kỷ niệm tưởng tượng“, tập thơ đầu tay của ông. Những bài thơ của ông chủ yếu xoay quanh ba chủ đề lớn là: Thời gian, sự cô đơn và sự hữu hạn. Ông mượn thơ để thể hiện sự bất lực của con người.
Một số bài thơ được ông chọn đọc cho thấy sự trăn trở của ông trước những nghịch lý của cuộc đời như bài „Có một thời“:
Đến bữa cơm mẹ ngồi đợi vét nồi
Răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa
Trẻ con sợ búp bê và không thích sữa
Anh đi bên tôi mà sao cách trở
Nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi…
Và câu kết là câu hỏi chua chát: „Có một thời ta đã sống thật sao?“.
Nhiều câu, nhiều tứ thơ đã thể hiện triết lý của ông về cuộc đời ngắn ngủi, về sự bất định của thời gian và nhân tình thế thái. Ông bày tỏ về „Chúng ta sống trong sự cô đơn tập thể“, về „ảo ảnh“, về nhận thức thời gian „30 năm hay 3 triệu năm rồi?“. Ông hồi tưởng về những hình ảnh thảm khốc: „… Những đám tang không có hòm, chân người chết thò ra khỏi chiếu…“.
Nhà thơ Trương Đăng Dung cũng cho biết, mấy chục năm trước, khi biết được Hungary có ý định dịch truyện Kiều, nhưng dịch giả người Hung không hiểu hết được những ý tứ trong truyện Kiều nên ông đã quyết tâm bắt tay vào dịch và tìm cách chuyển thể thơ lục bát của Nguyễn Du sang thể thơ mười và mười hai từ trong tiếng Hung. Ông cũng đọc hai câu đầu „Trăm năm trong cõi người ta…“ bằng tiếng Hung để mọi người có thể cảm nhận âm hưởng của truyện Kiều trong tiếng Hung…
Chương trình đọc thơ đã được đan xen bằng tiếng đàn Guitar điêu nghệ của nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, mở đầu bằng bài „Giận thì giận mà thương thì thương“ dân ca Nghệ Tĩnh. Sau đó, Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã lần lượt trình diễn cả 7 chương trong „Tổ khúc Kiều“ do ông tự sáng tác trước khi xuất bản truyện Kiều song ngữ Đức – Việt theo bản dịch của ông Franz Faber.
Sau chương trình giới thiệu tập thơ „Những kỷ niệm tưởng tượng“, những người tham dự đã giao lưu, gặp gỡ trao đổi với nhà thơ Trương Đăng Dung và nhạc sĩ Đặng Ngọc Long trong bầu không khí cởi mở và thân mật.
Đông đảo những người yêu thích thơ, văn đã tới tham dự chương trình giới thiệu thơ và giao lưu
Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long trình bày Tổ khúc Kiều do ông tự sáng tác
Tiến sĩ Trương Hồng Quang, MC của chương trình
Người tham dự chăm chú theo dõi đọc thơ
Chương trình giao lưu
Đại diện Hội người Việt Nam tại Berlin & Brandenburg phát biểu chào mừng
Văn Long – Thoibao.de