Nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội ở Venezuela đang ngày càng trở nên trầm trọng. Tỉ lệ lạm phát chót vót và nạn khan hiếm thực phẩm đã xóa bỏ những tiến bộ đạt được trong chính sách xã hội ở những năm đầu của Chính phủ Chavez. Đồng thời, cuộc khủng hoảng trở nên gay gắt khi phe đối lập cánh hữu tìm mọi cách, dù hợp pháp hay bất hợp pháp để lật đổ chính phủ hiện nay của Tổng thống Nicolas Maduro, trong khi đó uy tín của đảng cầm quyền PSUV trong dân chúng ngày càng giảm. Vậy đâu là những vấn đề và mâu thuẫn trong chính sách của Chavez và Manduro?

Chính phủ Bolivar của cố Tổng thống Hugo Chavez, người coi CNXH là một dự án theo chủ nghĩa nhà nước (Etatismus), nên đã mở rộng lĩnh vực nhà nước vượt xa khả năng của nó. Vì vậy, nhà nước đã trở nên lớn hơn, nhưng đồng thời yếu hơn, kém hiệu quả hơn, thiếu minh bạch hơn và nhiều tham nhũng hơn. Mọi chương trình xã hội nhằm cải thiện đời sống dân chúng và các chính sách khác đều dựa vào giá dầu cao, do Venezuela có trữ lượng dầu mỏ được coi là lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chính phủ phớt lờ những kinh nghiệm lịch sử về sự biến chuyển giá dầu theo chu kỳ, họ cứ làm như là lúc nào dầu cũng có giá trên 100 USD/một thùng vậy. Do thu nhập từ xuất khẩu dầu chiếm tới 96% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu, nên trên thực tế toàn bộ ngoại tệ đất nước có được đều thông qua nhà nước. Thông qua chính sách kiểm soát ngoại hối của nhà nước, nên đồng tiền Bolivar của Venezuela ngày càng được định giá cao quá mức. Điều này cũng như việc các công chức nhà nước liên quan có quyền hành cá nhân trong việc cấp hay từ chối cấp ngoại tệ, đã làm cho việc buôn bán ngoại tệ trở thành lò tham nhũng quan trọng nhất trong nước.

Trong thời hoàng kim, người ta cứ thoải mái chi từ thu nhập khổng lồ của nhà nước, mà không quan tâm tới việc để dành vào quỹ dự trữ ngoại hối cho những thời kỳ khó khăn. Khi giá dầu tụt dốc thì điều không thể tránh khỏi đã xảy ra, nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài. Dự án chính trị của Chủ nghĩa Chavismus (theo tên ông Chavez) đã bắt đầu tan rã. Tổng sản phẩm trong nước năm 2014 giảm 3,9 %, năm sau giảm 5,7%. Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), công nợ từ năm 2008 tới năm 2013 đã tăng lên gấp đôi. Thêm vào đó, Venezuela đang phải chịu tỉ lệ lạm phát cao thứ nhì thế giới. Theo con số chính thức, tỉ lệ lạm phát năm 2015 là 180,9%, đối với thực phẩm và nước uống không cồn thậm chí 315%. Chắc chắn những con số này còn thấp hơn nhiều so với thực tế.

Sự suy thoái kinh tế đã dẫn tới khan hiếm thực phẩm, thuốc men và hàng hóa gia đình. Tuy nhiên, chính phủ từ chối coi đất nước đã rơi vào tình trạng khẩn cấp, phải kêu gọi sự giúp đỡ của nước ngoài. Họ không muốn thừa nhận chính sách của mình đã thất bại, cũng như muốn tránh khởi động cơ chế can thiệp nhân đạo, mở cửa cho việc can thiệp chính trị hoặc thậm chí là quân sự.

Nhiều tổ chức chính trị, nghiên cứu đã kêu gọi điều tra tham nhũng, đặc biệt liên quan tới việc phân chia ngoại tệ của nhà nước dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Nhưng những đề nghị này đã bị bác bỏ. Bởi vì việc điều tra các trường hợp tham nhũng rất có thể sẽ liên quan tới những công chức dân sự và quân sự ở cấp cao nhất cũng như những doanh nghiệp lớn.

Trong những năm qua đã có nhiều thay đổi trong cơ cấu kinh tế của Venezuela, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Hầu hết hàng hóa quan trọng giờ đây chỉ mua được ở chợ đen. Lĩnh vực kinh tế mới, phức tạp này được vận hành trong các mạng lưới của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp tư nhân. Do khan hiếm hàng và lạm phát cao, giá người ta phải trả ở chợ đen thường cao gấp 10 hoặc 20 lần so với giá chính thức.

Tuy nhiên, rõ ràng là Venezuela sẽ đình trệ, nếu lĩnh vực kinh tế này đột nhiên không hoạt động nữa.

Tình hình chính trị cũng thay đổi mạnh, sau khi Hugo Chavez qua đời tháng 3/2013. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2013, ông Nicolas Maduro, ứng cử viên do Chavez chọn ra chỉ giành được hơn ứng cử viên đối lập Henrique Capriles có 1,49% phiếu bầu. Trước đó 5 tháng, trong cuộc bầu cử cuối cùng, Chavez còn vượt đối thủ 10,76%.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12/2015, phe đối lập đã giành thắng lợi rõ ràng với 56,26% phiếu bầu so với 40,67% của đảng cầm quyền. Nhưng từ thời điểm này, khi Chính phủ không đồng ý với kết quả biểu quyết trong Quốc hội, họ lại kêu gọi Tòa án Tối cao phán quyết nghị quyết của Quốc hội này là vi hiến và Tổng thống lại ra sắc lệnh đối với những biện pháp quan trọng, qua đó bác bỏ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Ai cũng biết, từ khi Chính phủ Bolivar lên cầm quyền năm 1999, Chính phủ Mỹ thường xuyên hỗ trợ về chính trị và tài chính cho phe đối lập và thậm chí hỗ trợ cuộc đảo chính năm 2002. Việc can thiệp này cũng không hề suy giảm. Tháng 3/2016, Chính phủ Obama còn khẳng định lại Nghị quyết năm trước đó, coi Venezuela là „mối nguy cơ đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ“.

Sự bất bình về nạn khan hiếm hàng hóa, vận tải đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trong cả nước, gây ra tình trạng phong tỏa, cướp bóc kho hàng, cửa hàng và xe tải lan rộng. Không loại trừ việc một số cuộc biểu tình bị kích động để làm chính phủ bất ổn, nhưng phạm vi các cuộc biểu tình cho thấy đây là một hiện tượng xã hội lan rộng.

Cuộc khủng hoảng sâu sắc của Venezuela hiện nay là một bước ngoặt trong lịch sử cận đại của đất nước. Người ta cần có một cuộc tranh luận và sự thử nghiệm tập thể để dám đi sang một hướng xã hội khác. Nhưng cho tới nay chưa có câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này. Trong cương lĩnh tranh cử mới đây, đảng PSUV cũng như liên minh đối lập MUD đều tuyên truyền cho việc tăng gấp đôi sản lượng lượng dầu khai thác lên 6 triệu thùng trong năm 2019. Hiện nay, phe đối lập tập trung hầu như mọi nỗ lực vào việc lật đổ Chính phủ Maduro. Kế hoạch quan trọng nhất của chính phủ là khuyến khách việc khai thác mỏ làm động lực tăng trưởng mới.

Ngày 24/2/2016, Nicolas Manduro đã ký sắc lệnh thiết lập một „Khu vực phát triển chiến lược“ ở vùng Orinoco rộng gần 112.000 Km², chiếm 12% diện tích quốc gia Venezuela để khai thác vàng, kim cương. Coltan, sắt và các khoáng chất khác… dự kiến sẽ tạo ra nguồn thu tài chính lớn trong ngắn hạn, nhưng kéo theo sự tàn phá về mặt xã hội và sinh thái một vùng lãnh thổ lớn của Venezuela mà không gì bù đắp nổi, cũng như ảnh hưởng lớn tới đời sống của thổ dân da đỏ ở vùng này.

Trong nhiều diễn đàn, hội họp và biểu tình, đông đảo người dân đã bày tỏ phản đối sắc lệnh này cũng như đơn kiện lên Tòa án Tối cao coi sắc lệnh này là vi hiến. Việc đấu tranh đòi hủy bỏ sắc lệnh này là vì tương lai của Venezuela, khắc phục việc khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên, vì một cuộc sống hài hòa với tự nhiên.

Chịu thiệt hại nhiều nhất vì nạn khan hiếm hàng hóa, lạm phát cao lại chính là những người làm công ăn lương, tầng lớp nghèo mà thực ra Chính phủ Bolivar muốn giúp đỡ.

Liệu cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội này có thể giải quyết được không khi hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa những người giàu do tham nhũng ngày càng giàu và những người nghèo chỉ biết đi làm lại càng nghèo?

Trung Khoa – Thoibao.de (Tổng hợp)