Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về Luật Dữ liệu của Việt Nam

Ngày 27/11, BBC Tiếng Việt cho hay “Luật Dữ liệu: Bộ Công an thúc đẩy, doanh nghiệp lo ngại”.

Theo BBC, Dự án Luật Dữ liệu mà Bộ Công an Việt Nam xây dựng, dự kiến được Quốc hội biểu quyết trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, khóa 15 vào ngày 30/11. Các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo luật này.

BBC dẫn lời anh N.H., nhà sáng lập một startup về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Sài Gòn, nói:

“Khi khách hàng sử dụng dịch vụ AI của chúng tôi, chỉ cần click vào thì chúng tôi cũng có thể thu thập được IP của họ, đếm được bao nhiêu lần truy cập. Những thứ như vậy có thể được xét là “dữ liệu quan trọng” không?”

Khoản 24, Điều 3 định nghĩa, “dữ liệu quan trọng” là dữ liệu “có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia, hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng, khi bị rò rỉ, giả mạo hoặc phá hủy”.

BBC cho biết, đã có những ý kiến từ phía doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, bày tỏ lo lắng nếu như luật này được thông qua.

Theo đó, ông Jonathan McHale – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông của Mỹ (CCIA), đã bày tỏ sự lo lắng về những điều khoản về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới, và đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét lại cách tiếp cận về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới.

BBC trích dẫn lá thư của Liên hiệp hội các tổ chức, công ty quốc tế, viết hôm 7/11, có chữ ký của 14 tổ chức thương mại lớn, gửi tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, viết rằng:

“Nếu được ban hành, dự thảo Luật Dữ liệu sẽ cản trở rất nhiều đến việc xử lý dữ liệu tại Việt Nam, tác động đến khả năng hoạt động và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong nhiều ngành, và tạo ra tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu và kỹ thuật số, vốn đang hỗ trợ nền kinh tế.”

Các tổ chức thương mại, đầu tư quốc tế, cho rằng, các khái niệm về “dữ liệu quan trọng”“dữ liệu cốt lõi” được định nghĩa quá rộng và không rõ ràng.

Họ cũng nhận định, các quy định về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới trong dự Luật Dữ liệu là khá nặng nề.

Dự luật này có thể “cản trở các doanh nghiệp và công dân Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, cũng như bỏ lỡ sự hiệu quả về chi phí cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của đất nước”.

Trong lá thư, các tổ chức thương mại này đã bày tỏ sự quan ngại cực kỳ lớn, tới quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội đối với khu vực tư nhân, mà không có thủ tục tố tụng rõ ràng.

Thêm vào đó, họ lập luận rằng, Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ đầu tư chống lại việc trưng dụng, cả trực tiếp và gián tiếp, theo Điều 9.8 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

BBC cũng cho biết, quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của nhà nước, nếu không có thủ tục tố tụng thích hợp, hoặc đảm bảo bảo vệ sở hữu trí tuệ, và/ hoặc dữ liệu độc quyền, có thể là sự chiếm đoạt, trưng dụng trực tiếp hoặc gián tiếp, vì nó can thiệp vào quyền tài sản vô hình/ lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.

BBC dẫn lời một luật sư chuyên tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, nói:

Một công ty nước ngoài, đặt trụ sở ở nước ngoài, nhưng có xử lý dữ liệu của công dân Việt Nam, dù chỉ một người, thì cũng có thể được xem là đối tượng áp dụng của Luật Dữ liệu.”

BBC dẫn bình luận của ông Robert Law, từ Đại học Melbourne – Úc, cho rằng:

Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải cân bằng hợp lý (giữa các yếu tố công nghệ và chính sách). Nếu thực hiện sai, quốc gia này phải đối mặt với nguy cơ kìm hãm sự đổi mới, cũng như dòng chảy đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, giải quyết những vấn đề rất phức tạp này là rất quan trọng.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de