Ngày 26/11, BBC Tiếng Việt có bài phóng sự: “Lính đào ngũ Nga tiết lộ bí mật bảo vệ căn cứ vũ khí hạt nhân”.
Theo đó, BBC cho hay, vào ngày Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022, Anton – một sĩ quan tại một cơ sở vũ khí hạt nhân tuyệt mật ở Nga, cho biết, căn cứ vũ khí hạt nhân mà ông đang phục vụ, đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, để sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức.
BBC dẫn lời ông Anton, cho biết: “Trước đó, chúng tôi chỉ có các cuộc diễn tập. Nhưng vào ngày chiến tranh bắt đầu, vũ khí đã được triển khai hoàn chỉnh.”
“Chúng tôi đã sẵn sàng triển khai lực lượng trên biển và trên không và về mặt lý thuyết, thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân”.
BBC không thể xác minh độc lập tất cả các sự kiện mà ông Anton mô tả, mặc dù chúng trùng khớp với các tuyên bố của Nga vào thời điểm đó.
BBC cũng cho hay, 3 ngày sau khi quân đội tràn qua biên giới Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, lực lượng răn đe hạt nhân của Nga đã được lệnh chuyển sang “chế độ chiến đấu đặc biệt”.
Anton cho biết rằng lệnh báo động chiến đấu đã được áp dụng vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, và khẳng định đơn vị của ông đã “bị nhốt bên trong căn cứ”. Cựu quân nhân cho biết cuộc sống tại đó được kiểm soát chặt chẽ. Ông nói thêm rằng tình trạng báo động đã bị hủy bỏ sau 2 đến 3 tuần.
BBC dẫn lời Liên đoàn Các Nhà Khoa học Hoa Kỳ, cho biết, Nga có khoảng 4.380 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động, nhưng chỉ có 1.700 đầu đạn được “triển khai”, hoặc sẵn sàng sử dụng. Tất cả các quốc gia thành viên NATO cộng lại sở hữu một số lượng tương đương.
Ngoài ra, còn có những lo ngại về việc liệu Putin có thể chọn triển khai “vũ khí hạt nhân phi chiến lược” – thường được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay không. Đây là những tên lửa nhỏ hơn, thường không gây ra bụi phóng xạ trên diện rộng.
Tuy nhiên, việc sử dụng chúng cũng sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.
Điện Kremlin đã làm mọi cách có thể để thử thách sự bình tĩnh của phương Tây.
Theo BBC, chỉ tuần trước, Putin đã phê chuẩn những thay đổi trong học thuyết hạt nhân – các quy tắc chính thức quy định cách thức, và thời điểm Nga có thể phóng vũ khí hạt nhân.
Học thuyết hiện nay khẳng định Nga có thể phóng nếu bị “tấn công quy mô lớn”, bằng tên lửa thông thường của một quốc gia phi hạt nhân, nhưng “có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân”.
Các quan chức Nga cho biết học thuyết mới được cập nhật “thực sự loại bỏ” khả năng thất bại trên chiến trường.
Nhưng kho vũ khí hạt nhân của Nga có hoạt động hiệu quả không?
Vẫn theo BBC, một số chuyên gia phương Tây cho rằng, vũ khí của nước này chủ yếu có từ thời Liên Xô, và thậm chí có thể không hoạt động.
Ngay sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu, Anton cho biết ông đã nhận được thứ mà ông mô tả là “mệnh lệnh tội ác” – tổ chức các buổi thuyết trình với quân đội của mình bằng các hướng dẫn được viết rất cụ thể.
“Họ nói rằng thường dân Ukraine là chiến binh và phải bị tiêu diệt!”, ông Anton tường thuật lại. “Tôi đã nói rằng tôi sẽ không phát tán luận điệu tuyên truyền này”.
Anton cho biết ông muốn thế giới biết rằng, nhiều binh lính Nga phản đối chiến tranh.
BBC cho biết, mặc dù Anton đã rời khỏi Nga, các cơ quan an ninh vẫn đang tìm kiếm ông: “Ở đây tôi rất cẩn trọng, hoạt động bí mật và không xuất hiện trong bất kỳ hệ thống chính thức nào”.
Ông cũng cho biết ông đã ngừng nói chuyện với bạn bè của mình tại căn cứ hạt nhân, vì ông có thể khiến họ gặp nguy hiểm: “Họ phải làm bài kiểm tra phát hiện nói dối, và bất kỳ liên lạc nào với tôi đều có thể dẫn đến một vụ án hình sự”.
Ý Nhi – thoibao.de