Ngày 26/11, trang Facebook Lao Ta của nhà văn Tạ Duy Anh đăng lại bài “Dân mệt lắm rồi”.
Tác giả đăng bài này lần đầu từ năm 2013, nhưng, nếu bỏ qua các số liệu và sự kiện đã cũ, thì cứ như vừa viết về những gì đang diễn ra.
Theo đó, 12 năm trước, nghị trường Quốc hội từng nóng bỏng, bàn luận vấn đề lãng phí, thất thu ngân sách, và tệ nạn tham nhũng.
Tác giả tự thấy có nghĩa vụ phải cổ vũ các đại biểu Quốc hội dũng cảm, bằng cách chỉ tiếp ra cho họ những tệ nạn mà họ đang đối mặt, với một số thống kê trên các báo chính thống, như chuyện cổng chào, sân vận động… tiêu tốn tiền tỷ rồi bỏ hoang, xuống cấp…
Tác giả dẫn tiếp những lời chứng về tình hình tham nhũng đang diễn ra trên đất nước của chúng ta:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu.”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là chết cái đất nước này.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
“Không tham nhũng, họ lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia …?”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
“Có cán bộ tham nhũng hàng triệu đô la để mua nhà cho bạn gái là điều rất đau xót.”
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:
“Tôi càng đi càng thấy buồn, họ ăn của dân không từ một cái gì.”
Tác giả đánh giá, nghĩa là, lãng phí, thất thoát tài sản, tham nhũng… là những thứ đã ở mức tràn ngập lãnh thổ, được nêu công khai, không còn bất cứ một sự né tránh nào nữa. Hiện tượng này phản ánh 2 điều:
Thứ nhất, tài sản quốc gia đang bị hàng ngàn, hàng triệu con đỉa, con bạch tuộc, thò vòi hút ngày ngày, với lòng tham vô đáy và sự tàn ác không trời đất nào dung thứ được.
Thứ hai, sự bất lực trong việc chống lại căn bệnh kinh tởm này, khi mới chỉ số ít trong đó bị lôi ra ánh sáng.
Tác giả đặt vấn đề, có phải, kết cục tất yếu là: Mỗi người dân Việt Nam đang gánh chịu 432 loại thuế, phí, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Phải nói thẳng ra rằng, không ngân sách nào chịu nổi một bộ máy cồng kềnh, lười biếng, làm việc thiếu hiệu quả, và tất yếu là sinh ra đủ thứ tiêu cực, như mua quan bán chức, đút lót, hối lộ, ăn cắp, tham nhũng, lãng phí…
Tác giả nhận xét, không sức dân nào kham nổi. Mà sức dân đâu chỉ mỗi việc gồng gánh trách nhiệm làm ra của cải. Họ luôn phải dành sức ra cho nào là chiến tranh, thiên tai, các loại nhân tai, dịch bệnh…
Tác giả đặt câu hỏi: Vì sao lại tồn tại một hiện trạng mà ai cũng biết như vậy?
Tác giả dẫn lời trần tình của ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội, rằng, nhiều lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng!”
Tác giả kết luận: Vậy là đã rõ.
Nội bộ là đám quan tham nhũng, là chính những người đưa ra yêu cầu với các đại biểu Quốc hội. Còn người ngoài ở đây, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là nhân dân.
Tác giả nhấn mạnh, dân có thể là người bên ngoài với số tài sản mà quan tham đang ăn cắp, chia nhau, và tìm cách ém nhẹm, coi như chuyện nội bộ. Họ có thể vì mải lao động, vì cả tin, vì khờ khạo mà không biết. Nhưng còn có Trời biết, và can dự vào mọi việc.
Tác giả cho rằng, tổ tiên anh minh để lại cho hậu thế bài học giữ gìn xã tắc bền vững, chỉ gói gọn trong 4 chữ: “Khoan thư sức dân”.
Thế mà lũ quan tham khiến dân lao lực, vì lòng tham vô đáy của họ. Dân mệt lắm rồi. Dân mà mệt, thì chả ai yên hưởng thái bình được đâu, cho dù của nả, bổng lộc đầy nhà.
Thu Phương – thoibao.de