Những ngày qua, cộng đồng mạng dậy sóng vì video ca sĩ Thanh Lam trình diễn bài hát Áo mới Cà Mau, trong tập 12 chương trình Bài hát của chúng ta (Our song Việt Nam), một phiên bản Việt của chương trình truyền hình Trung Quốc.
Trong phần trình diễn này, nữ ca sĩ mặc áo bà ba, hát dân ca Nam bộ bằng giọng miền Nam, và trình diễn vũ đạo rất táo bạo. Đáng nói là, ở một số phân đoạn, ca sĩ U60 này được dàn vũ công nam nâng lên cao, thực hiện động tác xoạc chân. Ngoài ra, còn có cảnh ca sĩ được vũ công nâng người, giúp “trồng chuối trên sân khấu”, đưa chân lên trời và bung ngang. Đây là những hình ảnh bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt, trong những ngày qua.
Một vài ca sĩ khen ngợi, lần đầu được chứng kiến tiết mục được dàn dựng dễ thương, bản phối mới cuốn hút. Tuy nhiên, đa phần phản đối, vì cho rằng, Thanh Lam “làm hỏng bài hát”, phát âm sai tiếng miền Tây…
Đây không phải là lần đầu tiên nữ ca sĩ này gây bão mạng. Trước đây, Thanh Lam từng bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt, vì cô biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn như thể “lên đồng”. Cộng đồng mạng, đặc biệt là những người quen với lối biểu diễn nhẹ nhàng du dương của dòng nhạc này, nhận xét rằng, Thanh Lam không tôn trọng nguyên tác. Lúc ấy, cũng có một số ý kiến bảo vệ cô, rằng, nghệ thuật là phải sáng tạo, và Thanh Lam làm tốt vai trò của người nghệ sĩ, khi kiến tạo cái mới, không trùng lặp với bất cứ ca sĩ nào khác.
Thanh Lam là ca sĩ thành danh, tuy nhiên, bà đã 55 tuổi, lứa tuổi được xem là bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Việc trẻ hóa những ca khúc đồng quê, hay “nổi loạn hóa” trong phong cách biểu diễn của bà, có đem lại làn gió mới cho âm nhạc. Tuy nhiên, đó là gió mát hay gió độc, thì cần phải có thời gian để kiểm chứng. Trong nghệ thuật, một tác phẩm đặc sắc, một phong cách mới, đôi khi ban đầu lại bị phản đối. Tuy nhiên, nếu là nghệ thuật đích thực, thì theo thời gian sẽ được chấp nhận, và rất bền lâu.
Cho tới nay, phong cách biểu diễn như “lên đồng” của Thanh Lam đối với nhạc Trịnh, đã không để lại ấn tượng gì, ngoài những lời chê bai. Lối trình diễn sâu lắng, ưu tư, chiêm nghiệm, vẫn là phong cách được cho là phù hợp với nhạc Trịnh, và được người nghe nhạc chấp nhận nhiều nhất.
Với lối trình diễn của Thanh Lam, người bảo vệ bà thì cho là “phá cách”, người chỉ trích thì cho là “phát nát”. Những động tác vũ đạo bị cho là quá lố, phản cảm của ca sĩ, đa số cho rằng, bà đã phá nát dòng nhạc đồng quê Nam Bộ. Dòng nhạc này cần lối vũ đạo dịu dàng hơn, mang chất đồng quê và nền nã, thay vì “lẳng lơ”, “bốc lửa”, như cách bà trình diễn trên sân khấu.
Năm 2017, ca sĩ Thanh Lam cũng gây bão mạng với nhận định: “Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả, mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”. Ngay lập tức, không chỉ công chúng, mà nhiều người trong nghề đã phản ứng một cách mạnh mẽ đối với quan điểm của bà.
Khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản pháo đàn chị rằng: “Chị Lam nói câu đó quả thật hơi cạn, và tự đưa mình vào thế cô lập, nếu không muốn nói là chị đã đào sâu thêm khoảng cách của ca sĩ 2 miền Nam – Bắc”.
Có lẽ, gây bão mạng cũng là cách để ca sĩ U60 làm nóng lại hình ảnh của mình, sau một thời gian mờ nhạt. Tuy nhiên, nếu bà muốn gây ấn tượng với giới trẻ, thì hãy cẩn thận. Có khi không để lại ấn tượng gì với giới trẻ, mà lại đánh mất người hâm mộ trung niên – thành phần từng xem và nghe Thanh Lam biểu diễn, từ thời đỉnh cao phong độ cho đến hôm nay.
Hầu hết, các ca sĩ gạo cội luôn giữ gìn hình ảnh của mình, chấp nhận lượng khán giả hạn chế từ trung niên trở đi. Giới trẻ nên nhường lại cho các ca sĩ trẻ. Nếu ca sĩ già lại muốn “hốt luôn” giới trẻ, thì e là “lợi bất cập hại”, chỉ nhận lại lời chê bai.
Trần Chương – Thoibao.de