Sau khi trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 8/2024, Tổng bí thư Tô Lâm đã đưa ra hàng loạt các đề xuất cải cách, với mục tiêu đưa đất nước vào “kỷ nguyên mới”.
Theo giới quan sát, đây là những bước đi đã được ông Tô Lâm chuẩn bị từ trước về sự cấp thiết phải cải cách thể chế. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, các thế lực chính trị “bảo thủ” chiếm đa số trong giới lãnh đạo cấp cao đã không ủng hộ quyết tâm “cải cách” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Họ xem đó là sự tiếm quyền, nhằm đưa Đảng Cộng sản Việt Nam đi chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa.
Điều đó đã cho thấy, việc quyết định chủ trương cải cách “điểm nghẽn của thể chế” đã đưa ông Tô lâm vào tình thế cưỡi trên lưng cọp, có muốn leo xuống cũng không phải dễ dàng.
Sáng 25/11, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Đây thực chất là một Hội nghị Trung ương bất thường, trái với quy định. Theo quy định, và thông lệ, Hội nghị Trung ương Đảng chỉ họp họp mỗi năm 2 lần thường kỳ vào khoảng tháng 5 và tháng 10 hàng năm.
Trong bối cảnh nội bộ Đảng với nhiều diễn biến phức tạp, sự tranh giành quyền lực giữa các cá nhân và phe cánh đã tạo ra cảnh “gió tanh, mưa máu”. Đây là lý do, các Hội nghị Trung ương “bất thường” đã nhiều gấp 3, 4 lần so với 2 cuộc họp thường niên của Hội nghị Trung ương, và đã trở thành điều bình thường trong mắt người dân.
Mới nhất, từ ngày 18 đến 20/9 vừa qua, Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 vừa diễn ra hết sức khẩn trương, rốt ráo và ngắn gọn. Với thời gian làm việc được cho là “thâu đêm, suốt sáng”. Nhưng kết quả, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương, đồng thuận về cái gọi là cải cách “thể chế”.
Đó là lý do, ông Tô Lâm đã phải chấp nhận “quay xe” để đưa ra phương án mới dễ thuyết phục Trung ương. Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thực hiện cuộc cách mạng cải cách hệ thống chính trị, với mục tiêu nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phương án kể trên hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của ông Tô Lâm trước đó, khi khẳng định rằng, “chi 70% thu ngân sách để nuôi bộ máy hành chính, thì lấy đâu ra tiền để phát triển?”. Đây là điều thuyết phục được kể cả những nhân vật bảo thủ nhất trong Đảng.
Điều này càng trở nên đáng chú ý hơn, khi trên mạng xã hội gần đây xuất hiện thông tin về một đề án đầy tham vọng, nhằm sắp xếp lại cơ cấu các bộ, ngành của Chính phủ, kể cả việc hợp nhất với bộ máy các cơ quan đảng.
Đáng chú ý, đó là các phương án: Nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận; đưa Ban Đối ngoại Trung ương sáp nhập vào Bộ Ngoại giao; Sáp nhập Ban Kinh tế với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Nhập Ban Nội chính với Đảng ủy các cơ quan Tư pháp (là tổ chức Đảng lãnh đạo các cơ quan thực hiện chức năng tư pháp, bao gồm: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án), với thời hạn hoàn thành trước quý 1 năm 2025.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm vốn dĩ là một ông trùm an ninh, mật vụ, cho nên chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội “nhất tiễn hạ song điêu”. Phương án kể trên không chỉ nhằm vô hiệu hóa quyền lực của một số ban Đảng, là những nơi Tổng Bí thư chưa thực sự kiểm soát, để chịu sự kiểm soát của ông Phạm Minh Chính, một đàn em thân cận của cựu Thủ tướng Ba Dũng.
Đồng thời với phương án này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, cũng như Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã bị tước hết thực quyền. Đây là điều ông Tô Lâm đã ấp ủ từ rất lâu.
Trà My – Thoibao.de