Ngày 22/11, Quốc hội Việt Nam thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã nêu ý kiến thấy rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa nhiệt độ như hiện nay, là đẩy lùi sinh hoạt của người Việt Nam về 40 – 50 năm trước.
Theo Đại biểu Nghĩa, hiện nay, người lao động tại các khu nhà trọ cũng phải lắp máy lạnh để sử dụng cho gia đình. Với một nước nhiệt đới như Việt Nam, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa liệu có hợp lý hay không? Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nêu ý kiến rằng, vào năm 1998, máy điều hòa từng bị áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 20%, nhưng đến năm 2008 nhà nước đã thấy không hợp lý nên kéo xuống 10%.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội, Trần Hoàng Ngân cũng nêu vấn đề, cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng dầu ở mức thấp nhất có thể. Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, mặt hàng xăng hiện nay không phải là mặt hàng xa xỉ để chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các Đại biểu Quốc hội đều đồng tình thấy rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này cần phải đưa máy điều hòa, và một số hàng hóa liên quan trực tiếp đến người lao động, ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì mới hợp lý.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, áp dụng đối với một số hàng hóa, và dịch vụ mang tính chất xa xỉ, với mục đích nhằm hạn chế tiêu dùng. Để điều tiết sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước.
Nhà nước Việt Nam tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá…, để tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng thiết yếu cho dân sinh, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, vì vậy đã gây tranh cãi về tính hợp lý.
Ví dụ như, năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này thiếu căn cứ, nhất là khi điện thoại di động là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hiện nay. Hay vào đầu năm 2004, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm tăng giá xe hơi, khiến mức lạm phát cao trong năm đó.
Công luận thấy rằng, Hiến pháp Việt Nam đã xác định là “Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân và vì dân”. Nhưng trên thực tế, khi Nhà nước đưa ra các chính sách liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội, nguyên tắc “của dân, do dân, vì dân” vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo đó, những hàng hóa xa xỉ như ô tô, tàu thủy, hay hàng hóa không được khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá…, cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều cần thiết. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng hết sức thông thường, người dân tiêu thụ hàng ngày, và không phải là hàng hóa xa xỉ. Tại sao nhà nước lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, trong khi các sản phẩm rượu bia, thuốc lá… ở Việt Nam lại thuộc loại rẻ nhất trên thế giới?
Mới đây, vào tháng 2/2023, trước kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp thông lệ quốc tế. Cũng như xăng dầu cũng là nhiên liệu không tái tạo, cho nên cần phải thu thuế tiêu thụ đặc biệt, để buộc người dân phải sử dụng tiết kiệm loại năng lượng này.
Theo giới phân tích, việc Việt Nam tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng thu ngân sách là điều cần thiết, nhưng cần phải tính toán kỹ lưỡng, vì việc tăng thuế sẽ gây tác động tiêu cực lớn đến cuộc sống của đa số người dân và nền kinh tế.
Trà My – Thoibao.de