Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra xem xét, thi hành kỷ luật đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sau hơn 8 tháng bị mất chức, được đánh giá là những diễn biến bất thường.
Theo đó, Bộ Chính trị vừa ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhưng chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, với lý do ông Thưởng đang điều trị bệnh. Nguồn tin nội bộ của thoibao.de cho biết, ông Thưởng đang bị ung thư phổi.
Công luận cho rằng, như vậy, biệt lệ dành cho các lãnh đạo hàng “Tứ trụ” không bị xử lý kỷ luật dưới thời cố Tổng Bí thư Trọng đã bị Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ. Và ông Vương Đình Huệ thành nhân vật “Tứ trụ” đầu tiên bị Bộ Chính trị kỷ luật sau khi đã mất chức vào ngày 26/4.
Công luận nghi ngờ và đặt câu hỏi, vì sao 2 ông Thưởng và Huệ đều tham nhũng như nhau, nhưng ông Thưởng lại được ưu ái hơn ông Vương Đình Huệ? Chiếu theo Quy định về Công tác Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, do Ban Bí thư quản lý, quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Đồng thời, trước khi bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ứng cử, nhân sự cần kiểm tra sức khỏe toàn diện, và kết luận phân loại sức khỏe. Vậy tại sao không phát hiện ra vấn đề sức khỏe của ông Thưởng?
Ông Võ Văn Thưởng bị cáo buộc nhận hối lộ 64 tỷ đồng trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (nhiệm kỳ 2011 – 2014), từ Tập Đoàn Phúc Sơn tại tỉnh này, để xây nhà thờ tổ ở Vĩnh Long. Còn ông Vương Đình Huệ bị cho là phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, nhận hối lộ 2.200 tỷ từ Tập đoàn Thuận An.
Theo giới quan sát, sự kiện ông Vương Đình Huệ mất chức, phản ánh tình hình chính trị phức tạp, và những biến động trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý, sau khi bị mất chức, ông Vương Đình Huệ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Đảng, như: không được trả lời phỏng vấn báo chí, không được xuất cảnh ra nước ngoài mà không có sự giám sát.
Điều đó đã cho thấy, ông Huệ có thể phải đối mặt với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn. Ông Vương Đình Huệ có thể sẽ phải đối mặt với một tương lai chính trị ảm đạm, với nhiều hạn chế trong hoạt động, và nguy cơ bị điều tra, xử lý pháp luật rất cao. Thậm chí tới mức có thể phải chịu truy cứu hình sự.
Đáng chú ý, mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và ông Vương Đình Huệ được mô tả là rất căng thẳng và cạnh tranh trong một thời gian dài. Bộ trưởng Công an Tô Lâm, được cho là đã sử dụng quyền lực của mình để tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào các đối thủ chính trị, trong đó có ông Võ Văn Thưởng, và ông Vương Đình Huệ.
Theo giới thạo tin, trước đó, Bộ trưởng Tô Lâm đã đặt vấn đề thẳng với ông Võ Văn Thưởng, nếu chủ động rút lui sẽ được chấp nhận “hạ cánh an toàn”. Đồng thời, Bộ Công an cũng bắn tín hiệu, yêu cầu ông Vương Đình Huệ chủ động rút lui sẽ được chấp nhận “hạ cánh an toàn” như ông Thưởng. Nhưng ông Huệ khi đó đã bác bỏ tất cả các cáo buộc, đồng thời đe dọa sẽ tiết lộ các vụ việc sai phạm của ông Tô Lâm và Bộ Công an lên cấp cao.
Đây chính là lý do, dẫn đến việc ông Tô Lâm quyết định nhanh chóng ra tay, và chỉ đạo cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra C03 bắt giữ trợ lý thân cận của ông Huệ, Phạm Thái Hà, ngay tại sân bay Nội Bài, sau khi ông này trở về từ Trung Quốc cùng ông Vương Đình Huệ.
Theo giới quan sát, việc ông Huệ bị kỷ luật cảnh cáo, ông Thưởng được tạm tha với lý do để điều trị bệnh, đã cho thấy, còn nhiều diễn biến khôn lường trên chính trường Việt Nam, dưới bàn tay của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de