Sau khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được hơn 3 tháng, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục có những phát ngôn chấn động nhằm thu hút công chúng, như hoàn thiện thể chế, và tháo gỡ điểm nghẽn. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Những tuyên bố như vừa kể đã khiến một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hy vọng, đặt nhiều tin tưởng vào việc ông Tô Lâm sẽ quyết tâm cải cách thể chế, tương tự như công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam từ năm 1986.
Mới nhất, nhân ngày Nhà giáo 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm lại đưa ra yêu cầu “ Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%, đây là không phải là lời nói suông”. Theo người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, “Trung ương đã xác định điểm nghẽn lớn nhất trong cải cách thể chế là vấn đề con người. Vì vậy, phải bắt đầu với chủ đề giáo dục”.
Lại một lần nữa, dư luận xã hội Việt Nam lại hồ hởi, phấn khởi. Nhiều ý kiến lạc quan khi cho rằng, nếu điều này sớm thành hiện thực thì 20/11 sẽ là ngày đi vào lịch sử giáo dục của Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến thấy rằng, mặc dù ông Tô Lâm thể hiện sự quyết tâm trong việc cải cách, để đưa Việt Nam vào “kỷ nguyên mới”, nhưng tại sao chưa đưa ra lộ trình rõ ràng để thực hiện những thay đổi cần thiết?
Đa số các ý kiến đều cho rằng, ông lãnh đạo nào mới lên chẳng nói thế, chả hứa hẹn, nhưng rồi cuối cùng cũng nói đâu bỏ đấy. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng không phải là ngoại lệ. Cụ thể, dù ông Tô Lâm tuyên bố chống nhóm lợi ích, và sân sau của các quan chức, thì ông lại có Tập Đoàn Xuân Cầu Holdings – một công ty của gia đình. Cũng như, ông Tô Lâm kêu gọi chống lãng phí, thì trước đây vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã dính vào vụ tai tiếng thịt bò “dát vàng” ở thủ đô London, Anh Quốc.
Trở lại tuyên bố của Tổng Bí thư Tô Lâm khi đưa ra yêu cầu “ Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%, đây là không phải là lời nói suông”. Công luận lập tức cũng đặt câu hỏi ngược lại với ông Tô Lâm: Tại sao, đất nước Việt Nam đang bình yên, đáng sống, nhưng Bộ Công an của ông Tô Lâm càng phình to về tổ chức, cũng như nhân sự? Tại sao phải cần đến 5 triệu nhân viên công an, an ninh cơ sở để làm gì?
Đây là lý do, chi ngân sách cho ngành Công an gấp khoảng 13 lần ngân sách chi cho 2 ngành Giáo dục và Y tế. Điều đó thể hiện chính sách bất hợp lý của chính quyền Việt Nam, khi ưu tiên quá mức đối với lực lượng “thanh kiếm và lá chắn”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về việc phân bổ chi tiêu ngân sách cho năm 2024, Bộ Quốc phòng được phân bổ ngân sách nhiều nhất là với hơn 207.000 tỷ đồng. Theo sau là Bộ Công an với ngân sách hơn 113.000 tỷ đồng, tăng 14.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Ngân sách của Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ được cấp 7.700 tỷ đồng. Ngược lại, ngành Y tế bị cắt giảm còn khoảng hơn 7.000 tỷ đồng…
Điều phổ biến ở các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam…, là chính quyền dựa vào công an và quân đội để đảm bảo sự độc tôn quyền lực của đảng. Nguy hiểm hơn, nhà nước Việt Nam dưới chiêu trò “xã hội hóa”, để rút bớt ngân sách cho Giáo dục và Y tế vốn dĩ đã quá ít ỏi, để tăng chi cho công an và quân đội?
Đây chính là lý do, công luận ở Việt Nam đặt ra câu hỏi, đến bao giờ Tổng Bí thư Tô Lâm biết rằng trước khi nói, hay tuyên bố điều mới mẻ gì, ông cần phải sờ lên gáy của mình trước, để xem ông đã từng làm những điều sai trái gì?
Trà My – Thoibao.de