Tết 2025: Xu hướng tiết kiệm lên ngôi

Ngày 22/11, VOA Tiếng Việt có bài: “Nhiều người chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết tiết kiệm”.

Theo đó, VOA cho biết, còn khoảng 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán. Trước tình cảnh làm ăn không thuận lợi, thu nhập khó khăn, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết “hết sức tiết kiệm”, để dành tiền cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thường ngày.

VOA dẫn lời anh Phạm Thành Hưng, giám đốc kinh doanh của một công ty phần mềm ở Hà Nội, cho biết, năm nay gia đình anh sẽ tiết kiệm mọi khoản chi với mục tiêu: ăn Tết đầm ấm nhưng không tốn kém, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

“Bánh chưng thì ông bà ngoại cho, đào thì xác định chỉ mua loại khoảng 150 nghìn/cành, quất thì chỉ mua loại 500 nghìn/cây thôi. Còn tận dụng đối tác và khách hàng người ta biếu quà cho mình. Ví dụ mình đem hộp bánh, hộp sâm đến cho người ta thì người ta lại cho mình chai rượu chẳng hạn” – anh Hưng cho biết thêm về kế hoạch chuẩn bị Tết của gia đình ngay từ thời điểm này.

Anh Hưng cũng cho hay suốt từ đại dịch Covid đến nay, doanh thu của công ty liên tục giảm do rất nhiều doanh nghiệp, cả quốc doanh lẫn tư nhân, tiết giảm chi phí, nên gia đình anh thực tế đã quen với những cái Tết tiết kiệm như vậy. Anh dự tính tiền thưởng Tết cũng chỉ vừa đủ để chi phí cho những khoản cần thiết nhất trong dịp Tết này.

VOA cũng dẫn lời anh Phạm Thành, một nhân viên bán hàng thâm niên của một doanh nghiệp nước ngoài ở Hà Nội, cho biết, năm nay tiếp tục là một năm khó khăn của anh khi doanh thu bán hàng sụt giảm so với năm ngoái.

“Năm ngoái bán được 26 tỷ, năm nay thì cố về khoảng 24 tỷ mà đến giờ mới được có 18 tỷ. Nói chung bây giờ khó lắm. Các doanh nghiệp chết đói, buôn bán cũng khó mà luật thì lại siết chặt” – anh Thành cho biết, và lo lắng không biết tiền thưởng cuối năm có đủ để lo cái Tết tiết kiệm cho gia đình hay không. Anh nói việc du xuân lễ hội đầu năm thường khá tốn kém, nên gia đình anh sẽ loại bỏ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Đỗ Ngọc Anh, nhân viên một doanh nghiệp lớn của nhà nước, thổ lộ, do doanh thu năm nay tiếp tục sụt giảm năm thứ 4 liên tiếp, nên không khí nơi làm việc những ngày cuối năm cũng không có chút gì hào hứng. Những bữa tiệc tất niên, sẽ như 4 năm qua, có thể không được tổ chức, hoặc phải thay đổi theo hoàn cảnh hiện tại.

“Chưa thấy bàn gì về kế hoạch tất niên, mà nếu có trong dịp Tết dương lịch tới chẳng hạn thì chắc là cũng chỉ làm bữa nho nhỏ thôi” – anh Ngọc Anh nói. Vẫn theo lời anh, Tết năm nay gia đình anh sẽ tiếp tục dựa vào bố mẹ ở quê thay vì giúp đỡ ông bà.

VOA cho hay, anh Nguyễn Minh Hòa, một đồng nghiệp của anh Ngọc Anh, nói rằng, so với nhiều nơi khác, tình hình của họ coi như cũng đỡ hơn rất nhiều.

Anh Hoà cho biết thêm, Tết năm nay gia đình anh sẽ chỉ loanh quanh đi thăm họ hàng và đón Tết tại Hà Nội, chứ không đi chơi xa và cũng không tổ chức tiệc tùng, để tiết kiệm và tránh làm bạn bè khó xử vì không ai dư dả gì để tham gia.

VOA cũng cho hay, theo Cổng thông tin điện tử của Quốc Hội Việt Nam, những tháng cuối năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với những biến động lớn từ bên ngoài và khó khăn nội tại. Ở nội địa, nền kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực từ tình trạng lạm phát gia tăng, thị trường lao động thiếu hụt, trong khi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra những sức ép lớn.

Theo VOA, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ từ 5,5% tới 6%. Lạm phát trong năm nay dự kiến ở ngưỡng 4,2%, tức cao hơn mức 3,8% của năm ngoái. Quốc hội đặt mục tiêu phát triển GDP cả nước trong năm sau là từ 6,5% tới 7%.

 

Ý Nhi – thoibao.de