Nếu không gia cố ghế Chủ tịch nước bằng quân đội, Lương Cường sẽ đổ?

Ghế Chủ tịch nước đã thay chủ 4 lần, trong chưa đầy 1 nhiệm kỳ. Điều này cho thấy, chiếc ghế này rất yếu, yếu nhất trong Tứ trụ.

Tuy nhiên, cần thấy, các đời chủ tịch nước trước của nhiệm kỳ này, như Võ Văn Thưởng và Nguyễn Xuân Phúc, đều không xuất thân từ lực lượng vũ trang, vì vậy đều dễ đổ ngã. Còn Tô Lâm, chiếc ghế ông quan tâm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ là bước đệm.

Giờ đây, ông Lương Cường thay thế ông Tô Lâm ngồi vào chiếc ghế bị cho là “xui xẻo” này. Ông Lương Cường là Đại tướng Quân đội, xuất thân từ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, khả năng “chinh chiến” của ông lại là một câu hỏi to tướng.

Trước đây, ông Trần Đại Quang cũng là Đại tướng, là Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông vẫn bị loại khỏi chính trường, theo một cách thảm khốc nhất. Nhìn bề ngoài, ông Trần Đại Quang có vẻ giống Tô Lâm, nhưng ẩn dấu bên trong thì rất khác biệt. Sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông Quang đã để mất quyền kiểm soát Bộ Công an, còn Tô Lâm thì ngược lại. Vậy nên, có thể thấy, Trần Đại Quang chỉ là “thùng rỗng”, Tô Lâm mới là thực lực.

Ông Lương Cường cũng là Đại tướng, nhưng liệu, ông là Đại tướng “thùng rỗng” như ông Trần Đại Quang, hay có đủ thực lực như ông Tô Lâm? Câu hỏi này rất khó trả lời, vì thực lực của ông Lương Cường chỉ đang hình thành, qua việc liên minh liên kết, chứ chưa có bề dày và hoàn chỉnh như Tô Lâm. Cũng bởi ông Lương Cường nhận thấy mối nguy, nên mới kết nối với ông Phan Văn Giang, tính chuyện thống nhất các phe phái trong quân đội.

Sự nghiệp chính trị của ông Lương Cường xem ra khá bấp bênh. Lên ghế Chủ tịch nước rồi mới đi tìm sự hậu thuẫn, thì chẳng khác nào đánh bạc. Nếu ông Phan Văn Giang chấp nhận liên minh, ông Lương Cường xem như gặp may. Còn nếu ông Giang quay lưng, thì số phận của ông Lương Cường cũng chông chênh như ông Trần Đại Quang.

Kịch bản thống nhất Lương Cường – Phan Văn Giang sẽ là kịch bản tốt nhất cho phe quân đội, nhưng lại là tin xấu cho ông Tô Lâm. Bởi lúc đó, trong tay Lương Cường không chỉ có cơ quan điều tra, mà còn có cả cơ quan tình báo quân đội.

Ông Lương Cường là Đại tướng Quân đội thứ 2 làm Chủ tịch nước. Trước đây có Đại tướng Lê Đức Anh – người được xem là một trong những Chủ tịch nước quyền lực nhất từ trước đến nay. Mặc dù, về luật pháp, quyền hạn của ông Lê Đức Anh không khác so với các đời chủ tịch nước từ trước đến nay.

Cả ông Lương Cường và ông Tô Lâm đều được phong hàm Đại tướng cùng lúc, tuy nhiên, cách xây dựng quyền lực của Tô Lâm có phần chắc chắn hơn. Khi còn nắm chức Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã xây dựng bộ khung Hưng Yên vững chắc. Trong khi đó, ông Lương Cường không thể làm điều tương tự trong quân đội, bởi ông không leo lên được ghế Bộ trưởng. Trong lần thư hùng cách đây 4 năm, ông Cường – với cấp hàm Đại tướng, lại thành bại tướng dưới tay một Thượng tướng như Phan Văn Giang.

Ông Tô Lâm tiến lên từng bước trong các vị trí “Tứ trụ”, bằng sức mạnh áp đảo. Còn ông Lương Cường thì rất vất vả mới giành được một giải “an ủi” không mấy thực quyền.

Lợi thế duy nhất của ông Lương Cường, là trong Bộ Chính trị ai cũng sợ và e ngại Tô Lâm. Chính vì lẽ đó, ông Cường có thể dễ kết đồng minh với thế lực khác, hơn Tô Lâm, nếu ông khôn khéo.

Ở ghế Chủ tịch nước hữu danh vô thực, nếu không gia cố, không liên minh, không hậu thuẫn bằng quân đội, thì rất có thể, số phận của ông Lương Cường sẽ như ông Trần Đại Quang, thậm chí, có thể trở thành một con mồi của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

Trần Chương – Thoibao.de