Bộ Chính trị bất ngờ kỷ luật ông Vương Đình Huệ và “treo án” với ông Võ Văn Thưởng

Ngày 21/11, BBC Tiếng Việt bình luận “Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật, ông Võ Văn Thưởng “điều trị bệnh”’.

BBC cho biết, ngày 20/11, Bộ Chính trị vừa ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Đảng đoàn, cựu Chủ tịch Quốc hội. Như vậy, ông Huệ thành “Tứ trụ” đầu tiên bị Bộ Chính trị kỷ luật, sau khi đã mất chức. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng nêu sai phạm của ông Võ Văn Thưởng, nhưng chưa xét kỷ luật, vì ông đang “điều trị bệnh”.

BBC trích dẫn nội dung thông báo, nêu rõ, sai phạm của ông Võ Văn Thưởng bắt đầu từ thời gian ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2010 – 2015; sai phạm của ông Vương Đình Huệ xảy ra trong thời gian ông làm Chủ tịch Quốc hội. Như vậy, nội dung trong thông báo này cụ thể hơn, so với thông báo khi 2 ông này từ chức.

BBC đánh giá, việc kỷ luật ông Huệ, được đánh giá là một bước bất ngờ, vì từ trước đến nay, chưa có lãnh đạo hay cựu lãnh đạo thuộc “Tứ trụ”, lại bị kỷ luật sau khi đã từ chức. Ông Vương Đình Huệ là trường hợp đầu tiên.

Với việc kỷ luật ông Huệ lần này, và thông báo “chưa xem xét” đối với ông Thưởng, có vẻ như câu chuyện chưa kết thúc.

BBC bình luận, diễn biến này cho thấy, có thể, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, những nhân vật trong “Tứ trụ”, nếu có vi phạm thì sẽ không được “hạ cánh an toàn”. Đây có thể là điểm mới trong cách xử lý những lãnh đạo chủ chốt của Đảng, khi mắc khuyết điểm.

Hiện, công chúng vẫn chưa rõ ông Huệ đã vi phạm cụ thể gì, mức độ nghiêm trọng ra sao, nhưng bài báo trên VnExpress khi viết về sự kiện từ chức của ông Huệ hồi tháng 4, đã đề cập đến sai phạm của ông Phạm Thái Hà – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Về trường hợp ông Võ Văn Thưởng, BBC cho biết, vào thời điểm ông Thưởng thôi chức, tháng 3/2024, nhiều nhà quan sát đã đánh giá rằng, sai phạm của ông diễn ra vào giai đoạn ông làm Bí thư Quảng Ngãi, từ 2011 đến 2014.

Nhưng với thông báo mới của Đảng thì cho thấy, vi phạm của ông Thưởng có tính xuyên suốt, mà thời kỳ làm Bí thư Quảng Ngãi chỉ là điểm khởi đầu. Tức là các vi phạm của ông còn diễn ra cả trong thời gian ông giữ các cương vị thuộc hàng cao nhất của Đảng và nhà nước, trong đó có vị trí Chủ tịch nước.

Như vậy, BBC nhận xét, mức độ sai phạm của ông Thưởng nặng hơn so với phán đoán của các nhà quan sát, vì nhiều người từng cho rằng, ông Thưởng bị mất chức do sai phạm từ 10 năm trước, không liên quan đến những vị trí khác, đặc biệt là khi ông vào Bộ Chính trị khóa 12, 13, và làm Thường trực Ban Bí thư, rồi lên Chủ tịch nước.

Với mức độ sai phạm mang tính xuyên suốt như vậy, liệu ông Thưởng sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật nào?

BBC dẫn lại phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, từ một Viện nghiên cứu của Singapore, cho rằng, việc xử lý hình sự một nhân vật trong “Tứ trụ”, là câu chuyện mà Đảng phải cân nhắc, khi đưa ra chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2013 đến nay.

BBC cho rằng, có thể Bộ Chính trị sẽ quyết định kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với ông Thưởng.

BBC nhắc lại, ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ từng là những chính trị gia có tiền đồ xán lạn.

Cả 2 ông đều đủ tiêu chuẩn để tiếp tục ở trong “Tứ trụ” sau Đại hội 14. Riêng ông Thưởng là Uỷ viên Bộ Chính trị trẻ nhất, và từng được coi là hạt giống đỏ để thăng tiến lên vị trí Tổng Bí thư.

Do đó, việc 2 ông mất chức, được giới quan sát nhận định là những cơn “địa chấn chính trị”. Hiện ông Huệ bị kỷ luật cảnh cáo, ông Thưởng phải điều trị bệnh, cho thấy những diễn biến khôn lường trên chính trường Việt Nam, nhất là dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

Quang Minh – thoibao.de