Thấy gì qua lễ sinh nhật lần thứ 75 của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện trong một số sự kiện chính trị gần đây, đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng ông Dũng sẽ quay lại chính trường. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, việc ông Dũng trở lại nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp là khó xảy ra.

Với lý do, ông Ba Dũng đã 75 tuổi và là người không có tham vọng quyền lực cao. Thay vào đó, ông có thể đóng vai trò cố vấn hoặc quân sư, hỗ trợ cho các lãnh đạo hiện tại như Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và một số các chân rết khác.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, ngày 17/11, đã xuất hiện những hình ảnh của lễ sinh nhật 75 tuổi của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại nhà riêng ở đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3, TP. HCM, với rất nhiều lẵng hoa từ các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả các cựu “Tứ trụ”, đã gửi đến chúc mừng.

Những cựu quan chức đã “gãy ghế” bởi bàn tay của ông Tô Lâm như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, cùng nhiều quan chức khác cũng tham dự, hoặc gửi lẵng hoa đến chúc mừng. Kể cả tân Chủ tịch nước Lương Cường, người vừa chịu tai tiếng trong vụ bê bối “Tuấn Chile” hiện đang công du nước ngoài cũng gửi quà tặng đến chúc mừng.

Theo giới quan sát, điều này cho thấy sự ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Ba Dũng còn rất lớn đối với chính trị Việt Nam. Cho dù trên danh nghĩa, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho về “làm người tử tế”, kể từ khi thất bại sau cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư Đại hội Đảng 12.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa đi thăm đảo Bạch Long Vĩ chân ướt, chân ráo trở về, ngay lập tức đi thăm Cà Mau – quê ông Ba Dũng, trên danh nghĩa để dự lễ “Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc”. Ông Tô Lâm đã trở thành nhân vật trung tâm của buổi lễ.

Công luận có nhiều ý kiến về lễ sinh nhật của ông Nguyễn Tấn Dũng, đáng chú ý, có nhiều ý kiến cảm thán và tiếc cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì đã “nỏ thần vô thức trao tay giặc”. Với lý do, sau khi Tổng Trọng qua đời, thì ông Ba Dũng – một đối thủ chính trị, người từng làm Tổng Bí thư Trọng “thất điên, bát đảo”, nay lại ung dung trở lại góp mặt trong chính trường.

Khi ông Trọng trở thành người thiên cổ, người dân Việt Nam vẫn không quên nụ cười “bí ẩn” của ông Ba Dũng trong đám lễ quốc tang của ông Nguyễn Phú Trọng. Điều đó cho thấy, mãi đến cuối đời, khi đã mồ yên, mả đẹp, ông Trọng vẫn là kẻ thất bại. Không chỉ vì không nhổ được cái gai Ba Dũng, mà còn để đối thủ và các đàn em thân cận làm chủ và kiểm soát chính trường.

Theo giới phân tích quốc tế, ông Trọng được nhớ đến với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, mang tên công cuộc “đốt lò”. Tuy nhiên, đa số cho rằng, chiến dịch “đốt lò” đã làm suy yếu thể chế của Đảng và gây ra sự xáo trộn trầm trọng trong nội bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc sau lễ quốc tang của ông Trọng cho đến nay đã cho thấy, sự chú ý của công chúng đã nguội dần khiến hình ảnh của ông Trọng nhanh chóng lùi vào dĩ vãng. Hơn thế nữa, một số ý kiến cho rằng, Tổng Bí thư Trọng có mối quan hệ quá mức thân thiết với Bắc Kinh. Thậm chí, ông Trọng còn bị cáo buộc là “thái thú” của Trung Nam Hải ngồi tại Hà Nội. Đồng thời, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của chính trị Việt Nam vào Trung Quốc.

Từ đó, Trung Quốc đã và đang tạo ảnh hưởng trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc được cho là đã chọn sử dụng ông Lương Cường – người thân cận với ông Trọng và có mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, để giữ Việt Nam trong quỹ đạo ảnh hưởng.

 

Trà My – Thoibao.de