Ngày 20/11, VOA Tiếng Việt có bài: “2 nhà giáo: Việt Nam nên từ bỏ “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa” vì quá cũ kỹ, kìm hãm”.
Theo đó, VOA cho biết, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Việt Nam và Giáo sư Phạm Minh Hoàng ở Pháp nhận xét, hôm 19/11 rằng, Việt Nam nên bỏ đi việc “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, bị hai ông xem là “cũ kỹ” và “ngăn chặn sự phát triển của con người”.
Bình luận của 2 ông được đưa ra trong bối cảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm vừa họp hôm 18/11, với các đại diện ngành giáo dục của đất nước, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong đó, ông Lâm nhấn mạnh “ưu tiên hàng đầu” trong việc đổi mới giáo dục, đào tạo là “tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”.
VOA dẫn lời giáo sư Phạm Minh Hoàng, từ Pháp, chỉ ra rằng cho đến thời điểm hiện tại, sinh viên đại học Việt Nam vẫn phải học 4 môn về chính trị, gồm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Ông đưa ra bình luận:
“Những cái đó họ gần như là nhồi nhét vào đầu sinh viên. Khủng khiếp hơn, lúc các em thi vào, họ dạy trong vòng năm đầu tiên, và trước khi các em ra trường, họ dạy thêm một lần nữa, làm như là để các em khỏi quên. Nếu còn giữ tư duy đó, tôi thấy đó là cái ngăn chặn sự phát triển của con người”.
VOA cũng dẫn lời thầy giáo Khoa, đưa ra quan sát về ngành của mình:
“Sự thiếu liêm sỉ của ngành giáo dục ngày càng nặng, ngày càng phổ biến. Nổi bật nhất là tình trạng trấn lột tiền của phụ huynh học sinh ở tất cả các cấp học, mà người ta dùng từ mềm mỏng đi là lạm thu. Trường nào mà hiệu trưởng tuyên bố nói không với các khoản thu trái phép thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi ở trong ngành biết rất rõ điều đó”.
Ông Hoàng lưu ý rằng, một trong những mục tiêu được nêu trong Luật Giáo dục của Việt Nam là đào tạo con người trung thành với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, theo ông, để thay đổi, Việt Nam “phải xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp”, vốn quy định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Theo VOA, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đánh giá rằng điều ông Tô Lâm nhắm đến thật tốt đẹp, còn thực tế cho thấy các trường ở Việt Nam mới đạt được những kết quả ít ỏi về mặt này. Thầy Khoa nhận xét và nêu ra nguyên nhân:
“Lâu nay Việt Nam có cái dở, cái cản trở mục tiêu thứ 2 là chỉ được nói theo quan điểm của lãnh đạo, chỉ được ca ngợi Đảng, chính quyền, không được phê phán. Ai phê phán, phản biện là phản động. Thế là tiêu diệt hết những tiếng nói, tư duy độc lập. Một số người viết hay, sắc sảo, họ góp ý, chê trách đảng thì dễ bị án tù”.
Thầy Khoa cũng chỉ ra những biện pháp để xây dựng con người tự học và tư duy độc lập:
“Biện pháp đầu tiên là tôn trọng ý kiến trái chiều, khuyến khích người dân đấu tranh với những cái chưa được của đảng viên, bộ máy lãnh đạo.”
“Thứ 2 là triệt để xử lý quan chức sai phạm, tham nhũng, làm trái, trù dập người dân hay là gây lãng phí thất thoát”.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một đất nước nằm dưới sự cai trị của duy nhất một Đảng Cộng sản vẫn có thể phát triển về giáo dục, khoa học – kỹ thuật như trường hợp của Trung Quốc, với các thành tựu của nước này về xây dựng đường sá, mạng viễn thông 6G, hay xe hơi điện EV… được xem là vượt trội so với khối EU, G7.
VOA cho hay, nêu dẫn chứng là có nhiều nhà trí thức Việt Nam thành đạt ở Mỹ, phương Tây nhưng ít người về nước đóng góp, vì các điều kiện không phù hợp, và các vụ bê bối gian lận bằng cấp làm mất niềm tin vào ngành giáo dục, Giáo sư Hoàng nhận định: “Với tình trạng giáo dục Việt Nam như hiện thời thì vô phương”.
Thu Phương – thoibao.de