Mới đây, mạng xã hội lại xuất hiện một lá thư thứ 2 ký tên “Minh Tuệ”.
Đáng nói là, văn phong trong đoạn đầu của bức thư này, sử dụng những từ ngữ mà chính quyền thường dùng.
Cụ thể, đoạn này viết:
“Con là Minh Tuệ lập nguyện tập học tập tu theo chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì điều kiện xã hội an ninh chính trị phức tạp, chưa phù hợp với con học tập theo hạnh khất thực, con chỉ học tập khất thực khi nào đủ điều kiện, đảm bảo về an toàn giao thông, an toàn xã hội, không tụ tập đông người đi khất thực và đi bộ hành.”
Cụm từ “an ninh chính trị” là cụm từ mà Đảng thường dùng. Và cũng chỉ có Đảng mới sợ mất “an ninh chính trị”. Còn sư Minh Tuệ, ông chỉ quan tâm đến việc tu đúng với hạnh mà Đức Phật đã dạy.
Đáng chú ý, cuối lá thư, bên trái, người viết phần ghi chú và đóng dấu là Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát tâm Thiên Định Tuệ – Nguyễn Thị Lan. Người này có nét chữ cùng loại chữ với người viết và ký tên Minh Tuệ trong thư.
Từ sơ hở này, nhiều người nhận định rằng, lá thư này là do bà Nguyễn Thị Lan viết và ký. Cộng đồng mạng cho rằng, chính bà Lan tự nhét chữ vào mồm sư Thích Minh Tuệ, chứ không phải nhà sư viết lá thư này.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát tâm Thiên Định Tuệ là công ty của người thân nhà sư. Tuy nhiên, giọng văn trong bức thư, không khó để nhận ra, đó là văn phong của Công an Cộng sản. Chính vì thế, cộng đồng mạng cho rằng, rất có thể, bà Lan bị Công an ép buộc hoặc dụ dỗ, khiến bà phải “nhét chữ vào mồm” nhà sư. Đây là cách để chứng tỏ chính quyền vô can, rằng, đây là tâm nguyện của nhà sư, chứ không phải chính quyền ép buộc.
Sống ở Việt Nam, ngay cả khi sư Thích Minh Tuệ lên tiếng, ông cũng khó có thể nói trái ý chính quyền. Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan – Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát tâm Thiên Định Tuệ, ắt cũng không có sự lựa chọn. Bà không dám làm trái ý nhà cầm quyền, bởi bà cũng chỉ là một người dân thấp cổ bé họng.
Hiện nay, nhiệm vụ dập tắt “hiện tượng sư Thích Minh Tuệ” đang được chính quyền Cộng sản đặt lên hàng đầu. Đây là trường hợp rất khó đối với họ. Người dân đi theo nhà sư là những người có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, nếu cứng rắn dẹp bỏ như Tô Lâm từng dẹp bỏ biểu tình, thì sẽ gây ra sự phẫn nộ xã hội, mà hậu quả của nó rất khó lường. Do đó, cách tốt nhất là “nhét chữ vào tay người nhà”, rồi bắt người nhà “nhét chữ vào mồm” sư. Cách này chắc chắn không thể qua mặt được những người tinh tường, nhưng sẽ dễ dàng qua mắt những người cả tin.
Hơn nữa, nếu ai đó muốn điều tra sự thật, muốn tìm nhà sư để đối chứng, thì chắc chắn sẽ bị ngăn cản. Kịch bản đã được Lương Tam Quang dựng lên, thì cả bộ máy công an sẽ dùng vũ lực để bảo vệ, cho kịch bản ấy diễn ra suôn sẻ. Ngoài bộ máy công an, thì bộ máy tuyên giáo cũng sẵn sàng, để phụ họa cho kịch bản này.
Ở đất nước này, làm một điều rất bình thường cũng trở nên khó khăn. Nói sự thật thì bị tóm cho vào tù. Học thật thì chạy xe ôm, học giả thì làm lãnh đạo. Tu thật thì bị ngăn chặn bằng những loại kịch bản tinh vi, tu giả để lừa dân thì được tự do hành nghề… Tất cả những điều này là biểu hiện của thời mạt pháp.
Việc dựng lên một kịch bản, để phá con đường tu hạnh đầu đà của sư Thích Minh Tuệ, là hành động của ma quỷ.
Ở đất nước này, yêu ma quỷ quái đang cai trị, nên những điều tử tế bình thường nhất, lại trở nên hiếm hoi. Cũng tu theo chánh pháp của Đức Phật, nhưng nhà sư Việt Nam khổ hơn nhà sư ở các nước khác hàng vạn lần.
Có thể nói, những việc mà chính quyền Cộng sản đã làm đối với sư Thích Minh Tuệ, là hành động bức hại tôn giáo, phá hoại chánh pháp một cách tinh vi.
Trần Chương – Thoibao.de