Ngày 6/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Hãng máy bay COMAC của Trung Quốc hợp tác với VietJet đưa máy bay vào sử dụng ở Việt Nam”.
Theo đó, hãng máy bay quốc doanh của Trung Quốc là COMAC, đang hợp tác với hãng hàng không Vietjet của Việt Nam, để đưa máy bay ARJ21 vào phục vụ thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
RFA dẫn lời ông Nguỵ Ứng Bưu – Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc – cho biết thông tin này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, vào ngày 6/11, nhân chuyến làm việc của ông Chính tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc, để dự các hội nghị cấp cao trong khu vực, được truyền thông nhà nước đăng tải.
Tại cuộc gặp, ông Ngụy Ứng Bưu khẳng định, COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam, khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực.
Ông Nguỵ Ứng Bưu cũng cho biết, COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật, nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam. Ông hy vọng, cuối năm nay, máy bay của Công ty sẽ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam.
RFA cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, rất quan tâm ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Quốc, và bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa máy bay của hãng này vào khai thác chặng Côn Đảo của Việt Nam, vì đường băng ở Côn Đảo rất ngắn.
Theo RFA, một số diễn đàn ở Việt Nam và hãng tin nước ngoài, vào tháng 4 vừa qua, đã lan truyền hình ảnh và thông tin về việc hợp tác của hãng hàng không tư nhân Vietjet với COMAC. Một tấm hình lan truyền trên mạng vào tháng 4, cho thấy một buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 hãng và hình 2 máy bay của COMAC là ARJ21 và C919. Tuy nhiên cả COMAC và Vietjet lúc đó đều không đưa ra lời bình luận gì.
RFA nhắc lại, vào đầu năm nay, COMAC đã đưa 2 mẫu máy bay ARJ21 và C919 vào bay thử ở Việt Nam.
Hôm 2/3, 50 hành khách Việt Nam đã bay thử nghiệm máy bay ARJ21, chặng thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng.
RFA cũng cho biết, truyền thông Nhà nước dẫn lời bình luận của 2 hành khách đã thử nghiệm chuyến bay, với lời ca ngợi như chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái, dù máy bay nhỏ, vận hành êm, thiết kế thân thiện với người dùng.
Tuy nhiên, trong một dòng trạng thái giới thiệu về máy bay của COMAC, do RFA đăng tải trên Facebook vào đầu năm nay, nhiều người bày tỏ lo ngại về chất lượng và độ an toàn do máy bay của Trung Quốc.
RFA cho biết thêm, máy bay ARJ21 được đưa vào phục vụ thương mại từ tháng 6/2016, và có sức chứa 78 đến 97 hành khách, tầm bay khoảng 2.225 – 3.700km và được sử dụng chủ yếu cho các chặng bay ngắn.
RFA tiếp tục dẫn truyền thông nhà nước, cho hay, dòng ARJ21 đã bán được 27 chiếc và vận chuyển thành công 11 triệu hành khách. Hầu hết đơn vị sử dụng ARJ21 đều là các hãng hàng không Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á hiện có hãng TransNusa của Indonesia sử dụng dòng máy bay này, trên 4 chặng bay nội địa.
Liên quan đến hãng bay VietJet, ngày 7/8, RFA loan tin “Nữ tỷ phú Nguyễn Phương Thảo thua kiện, phải đối diện khoản bồi thường 270 triệu USD”.
Vụ kiện này xuất phát từ việc VietJet thuê 4 máy bay Airbus của FitzWalter Capital, thuộc quyền sở hữu của cựu Giám đốc hãng Macquarie, ông Ben Brazil, nhưng không thanh toán tiền thuê, viện cớ dịch Covid-19.
Sau đó, VietJet còn can thiệp, cản trở quá trình thu hồi máy bay của FitzWalter Capital, trong việc đòi lại 4 chiếc máy bay Airbus nói trên.
RFA cho hay, vào tháng 4/2023, Nhóm Công tác Hàng không (AWG) có trụ sở ở Anh cho biết, nhóm đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi, sau khi một toà án ở Hà Nội chặn việc thu hồi các máy bay nói trên.
Không rõ, khi hợp tác với Trung Quốc, VietJet có “dám” sử dụng chiêu bài “lầy lụa” tiền bạc như với hãng của Anh hay không?
Thu Phương – thoibao.de