Ngày 6/11, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Nền chính trị cung đình sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Xuân Phúc bị xử lý?”.
RFA cho hay, đang có nhiều đồn đoán về việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể sẽ không còn trong vòng bất khả xâm phạm, như các “Tứ trụ” đã hạ cánh an toàn trước đây.
Truyền thông Nhà nước, hôm 2/11, đã đăng tải thông tin ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khai rằng, ông được cấp trên giao chỉ thị, giải quyết các đơn thư của công ty Sài Gòn Đại Ninh, trong vụ án sai phạm về đất đai ở tỉnh Lâm Đồng.
Trong giai đoạn xảy ra vụ án, cấp trên cao nhất của ông Dũng chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
RFA dẫn nhận định của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, từ Hà Nội, cho rằng: “Đây là lần đầu tiên báo chí trong nước công khai việc ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, không làm đơn phương một mình, mà có nhận chỉ đạo của cấp trên. Mà cấp trên là ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng thời kỳ đó. Công nhận đây là mặt tiến bộ về sự minh bạch, lần đầu tiên công khai”.
“Phía công an, cơ quan điều tra đang củng cố bổ sung chứng cứ, để có thể đi đến một bước tiếp theo mạnh tay hơn, là khởi tố, truy tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Phúc.” – Ông Toàn nói thêm.
Theo RFA, ông Mai Tiến Dũng còn khai thêm với cơ quan điều tra, và được báo nhà nước đăng tải, về mối quan hệ giữa Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh Nguyễn Cao Trí với lãnh đạo Chính phủ khi đó, khiến bản thân không còn cách nào khác nên phải ký phê duyệt.
RFA dẫn lời Luật sư Vũ Đức Khanh – một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Canada, nhận định:
“Tôi hoàn toàn nghĩ ông Tô Lâm sẽ đem ông Nguyễn Xuân Phúc ra, để mà dằn mặt tất cả những thế lực khác ở trong Đảng. Tức ông ấy thể hiện rằng, ông ấy sẽ không không ngừng tay, nếu ai cản trở tiến trình mà ông ấy gọi là kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Đó là điều ông đã nhấn mạnh trong bài diễn văn hôm 24/10, tức điểm nghẽn là thể chế. Vì vậy ông ấy cần có sự ra tay rất mạnh mẽ, và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhân vật đầu tiên phải trả giá đó”.
RFA cho biết, mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tổ chức cuộc gặp mặt với các nguyên lãnh đạo Đảng tại số 1 Hùng Vương. Các cựu thành viên “Tứ trụ” góp mặt bao gồm cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết, và cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là sự vắng mặt của các cựu thành viên “Tứ trụ” của khóa 13, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc. Đây là những người bị bật bãi khỏi bộ tứ quyền lực trong thời gian gần đây, trực tiếp mở đường cho sự lên ngôi của ông Tô Lâm.
RFA cũng cho biết, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã lên tiếng chỉ trích đường lối của ông Trọng “Ở các nước người ta còn bắt đến cả Thủ tướng, bắt cả Tổng thống là chuyện rất bình thường. Chứ không thể làm theo tư duy cũ của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là miệng thì nói không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, nhưng thực tế đã vạch ra những vùng cấm, để bảo vệ những quan chức phe cánh của mình”.
“Với trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, cứ mạnh tay mà làm, không thể có chuyện hệ thống chính trị này đổ vỡ, đổ “bình quý” như ông Trọng căn dặn.” – Ông Toàn nói thêm.
RFA nhận xét, nếu giờ đây ông Tô Lâm dám phá vùng cấm mà ông Trọng đặt ra trước đó, về việc các thành viên “Tứ trụ” không thể bị truy tố, đây có thể là minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ, ông đã vượt qua khỏi cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Dù bắt ông Phúc là một thách thức, nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm có lợi thế là gần như đang nắm trong tay Bộ Công an, khi Bộ trưởng Lương Tam Quang, được cho là người thừa hành theo mệnh lệnh của ông Tô Lâm.
Hoàng Anh – thoibao.de