Ngày 25/10, báo chí đồng loạt đưa tin, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 157/2024 về việc miễn nhiệm các chức vụ đối với ông Bùi Văn Cường. Theo đó, ông Cường sẽ thôi giữ chức các chức gồm: Tổng Thư ký Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước đó dư luận xã hội đã đồn đoán về số phận của ông Tổng thư ký Quốc hội này và sau đó, vẫn như thường lệ, báo chí chính thức công bố tin tức như lời đồn.
Có thể đây chỉ là những bước đi dọn đường để chuẩn bị khởi tố ông “tiến sĩ chân vịt” một thời tai tiếng này.
Hồi Tháng Tư, Tô Lâm cho khởi tố vụ án tập đoàn Thuận An bắt đầu chiến dịch đánh vào chân trụ Chủ tịch Quốc hội của Vương Đình Huệ. Sang Tháng 6, Tô Lâm yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải cung cấp hồ sơ có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt từ năm 2017 – 2020; kế hoạch sử dụng đất năm 2017, 2018, 2019, 2020 tại địa bàn huyện Ea Súp. Được biết, ông Bùi Văn Cường làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk từ năm 2019 đến 2021. Đây được xem là bước đi của Tô Lâm nhắm vào Bùi Văn Cường.
Năm 2021, Vương Đình Huệ thua đau trước Phạm Minh Chính phải nhận chức Chủ tịch Quốc hội. Khi đó, ông Huệ cũng kéo Bùi Văn Cường về Quốc hội phân công cho chức Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Việc ông Vương Đình Huệ ngã ngựa thì nhiều người cũng dự đoán, trước sau gì Bùi Văn Cường cũng sẽ bị loại khỏi vũ đài chính trị theo ông sếp của ông ta ở Quốc hội.
Ông Bùi Văn Cường là nhân vật không xa lạ gì với dư luận xã hội. Năm 2020, ông bị một giáo viên thể dục Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Khuyến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tên là Hoàng Minh Tuấn đã gửi đơn tố cáo lên Ban tổ chức Trung ương cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương, cáo buộc ông Bùi Văn Cường đạo luận án tiến sĩ. Ngoài ông Hoàng Minh Tuấn, một giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Phạm Đình Quý cũng tố cáo ông Bùi Văn Cường với nội dung tương tự.
Đáng nói là, ngày 25/9/2020 ông Bùi Văn Cường lúc đó là bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đã cho công an tỉnh này xuống tận TP. HCM bắt cóc ông Phạm Đình Quý về Đắk Lắk xử lý. Sau đó, ông Quý bị cáo buộc đã có hành vi “phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác”, phạm tội vu khống quy định tại điều 156 bộ luật Hình sự.
Không biết khi đó, Bùi Văn Cường dựa vào ai mà ngang nhiên mang quân sang tỉnh khác bắt người về xử lý? Với hành động đó, ông Cường chỉ bịt miệng được người tố cáo chứ không thể bịt miệng được dư luận. Cũng chính vì tiêu cực đấy mà dư luận đã đặt cho ông Tổng thư ký Quốc hội nickname là “tiến sĩ chân vịt”, tên gắn liền với đề tài tiến sĩ đầy tai tiếng của ông này.
Tiến thân bằng cách dựa vào thế lực mạnh để leo lên cao, khi thế lực đỡ đầu gục ngã thì Bùi Văn Cường cũng bị đá văng khỏi vũ đài chính trị, âu cũng là điều dễ hiểu. Thủ đoạn thì có thừa, tri thức thì lại thiếu, đấy không chỉ là bản chất của ông Bùi Văn Cường mà nó còn là mẫu số chung cho hầu hết các quan chức hiện nay.
Cùng với Đặng Quốc Khánh, Bùi Văn Cường được xem là đàn em thứ 2 của Vương Đình Huệ bị Tô Lâm triệt hạ. Đây phải chăng là cách mà Tô Lâm muốn triệt mầm họa từ xa, tránh cho những đàn em này luồn sâu leo cao sau đó vào Bộ Chính trị rồi trả thù chăng?
Có thông tin cho rằng, hồi Tháng 8, ông Cường bất ngờ thông báo với báo giới rằng, vào Tháng 10 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, trong khi đó Tô Lâm vẫn đang miễn cưỡng chưa muốn nhả chức trước áp lực của phe quân đội. Hành động này của Bùi Văn Cường giống như “ép chuối chín non”, cố tình đặt Tô Lâm vào chuyện đã rồi. Đây được xem là giọt nước làm tràn ly khiến cho Bùi Văn Cường bị Tô Lâm đưa lên thớt. Xem ra Bùi Văn Cường không phải là kẻ thức thời. Yếu nhưng dám “vuốt râu hùm” nên nhận hậu quả.
Trần Chương-Thoibao.de