Hạ Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, đến lúc Tô Tổng cho “xơi tái” sân sau?

“Đánh rắn phải đánh cho dập đầu”. Dây mơ rễ má của Vương Đình Huệ hiện nay đang là miếng mồi ngon cho Tô Lâm “xơi tái”.

Chế độ này vốn đã tạo ra quan tham khắp nơi, nay lại thêm thành phần dùng quyền lực để trấn lột lại những quan tham bại trận dưới tay họ. Thực tế, chuyện này đã tồn tại từ lâu trong lòng chế độ, có điều, nó diễn âm thầm đằng ra sau hậu trường chính trị. Hiểu nôm na là trấn lột của trấn lột, mà điển hình là các vụ chuyến bay giải cứu hay Việt Á vừa qua.

Rồi đây, những sân sau của Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, đều sẽ phải móc hết số tiền đã vơ vét từ người dân, để dâng lên cho lực lượng điều tra, tòa án vv… để mua lấy những bản án nhẹ hơn so với tội lỗi.

Mới đây, báo chí cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành kê biên Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, thu giữ được 315,75 tỷ đồng; 534 cây vàng SJC; 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại.

Rất có thể, đây chưa phải là toàn bộ tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn. Bởi những thứ nhà chức trách phát hiện, chỉ là phần nổi. Và cũng rất có thể, bên chiến thắng chỉ đưa lên mặt báo phần nào đấy, để nạn nhân tự biết, mà lo liệu sao cho “hợp tình hợp lý”. Nếu không “biết điều”, họ có thể tịch  biên thêm, khiến Tập đoàn này không còn gì để giữ lại.

“Dậu đổ bìm leo”, Võ Văn Thưởng ngã ngựa thì các thành phần đang có quyền tranh thủ trấn lột lại để kiếm chác. Đây là cách ăn mà luật pháp rất khó sờ đến. Bởi kẻ “bị thịt” được xã hội mặc định là thành phần phạm pháp, chẳng ai bên vực.

Tham nhũng trong chế độ này không thể diệt trừ, phần lớn cũng vì tồn tại một thứ thị trường buôn án sau bức màn công lý. Đây là hình thức cá lớn nuốt cá bé. Tuy vậy, những quan chức trong chế độ này vẫn không chùn tay. Vì sao?

Nếu một quan tham ăn bạo mà không bị lộ, thì tất nhiên, họ có được khối tài sản khổng lồ, con cháu họ ăn nhiều đời không hết. Đồng thời, con cái họ cũng được hưởng đặc quyền “cha truyền con nối”.

Nếu bị lộ và phải vào tù, quan tham vẫn dư tiền để đút lót, mua án. Phần tài sản còn lại, con cháu họ cũng ăn nhiều đời không hết. Vậy nên, dù bị lộ hay không, thì họ đều có lợi.

Những quan chức bị đi tù, hầu hết là uỷ viên Trung ương Đảng trở xuống. Còn đến cỡ uỷ viên Bộ Chính trị, thì có một loại luật “bất thành văn” là, họ vẫn được miễn nhiễm đối với nhà tù. Sau khi ngã ngựa, là lúc, họ có cơ hội để hưởng thụ thành quả mà họ đã vơ vét trong bao nhiêu năm. Dù là không còn quyền lực, họ cũng không như thường dân, vẫn hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi, mặc dù, thực chất họ là tội phạm.

Từ khi còn là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, thì luật pháp đã không thể sờ vào Tô Lâm. Vụ án Mobifone mua AVG bị phanh phui, tuy nhiên, phần dính líu đến Tô Lâm thì được đậy lại. Vậy thì, khi Tô Lâm đã lên đến chức Tổng Bí thư, còn thế lực nào, thứ luật nào, có thể sờ tới ông?

Mặt trái của chính quyền này là việc cướp bóc, trấn lột theo nhiều tầng. Tầng trên cao cướp lại của những tầng thấp hơn. Trong tòa tháp nhiều tầng này, Tô Lâm và nhóm Hưng Yên của ông đang ở trên cùng. Nghĩa là, chỉ có ông cướp được của những kẻ khác, mà không sợ bị bất kỳ ai cướp lại.

Vụ án Trương Mỹ Lan có vẻ như cũng là một loại bị trấn lột. Rất có thể, các quan chức từng dính líu đến bà Lan được thoát, là bởi, họ biết cách dâng một phần tài sản mà họ cướp được khi còn nắm quyền, để được yên thân. Bản thân bà Lan cũng thế, bà cũng phải trả một cái giá nào đó, khiến bộ máy tố tụng cảm thấy hài lòng, thì bà sẽ thoát. Sẽ là tốt cho bà, nếu tìm đến được Văn phòng Trung ương Đảng mà đút lót cho người cao nhất.

 

Trần Chương – Thoibao.de