Vì sao chủ trương loại bỏ tư duy “quản không được thì cấm” cũng chỉ là nói cho vui?

Ngày 21/10, trước khi các Đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Trong bài phát biểu, ông Tô Lâm đã thẳng thắn nhìn nhận, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Đồng thời ông Tô Lâm đã nhấn mạnh, “Dứt khoát bỏ tư duy quản không được thì cấm”, và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Theo giới quan sát, vấn đề dứt khoát bỏ tư duy “quản không được thì cấm” mà ông Tô Lâm nêu ra, nghe rất hay và hợp lòng dân. Nhưng đây không phải là điều gì mới, mà đã từng được nêu ra trước đây hơn 10 năm. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới nhiều lần, và sau đó các lãnh đạo Việt Nam cũng lặp đi lặp lại.

Cụ thể, tháng 3/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ra điều kiện cho 2 doanh nghiệp kinh doanh vận tải Uber và Grab, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải rời khỏi Việt Nam. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra nhằm để gây sức ép, buộc Grab và Uber phải chấp nhận một số điều kiện của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo bà Lan, Bộ trưởng Thể nói theo kiểu ép buộc: “nhận thì nhận, không nhận thì thôi”. Trong lúc Việt Nam đang háo hức muốn tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, tại sao lại ngăn cản như thế?

Nhưng quan trọng là, vấn đề “quản không được thì cấm” được  nêu ra xong thì bỏ đấy. Ngay bản thân cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hồi đó cũng chỉ nói mà sau đó không làm gì cả.

Bằng chứng là vấn đề cá độ bóng đá đã trở nên phổ biến ở Việt Nam từ nhiều năm qua, dù theo luật pháp, đây là hoạt động bị cấm.

Hồi đó dưới thời Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, một số đại biểu Quốc hội đã từng đề nghị Chính phủ cho hợp pháp hóa chuyện cá cược để quản lý chặt chẽ hơn và thu được thuế. Cụ thể là ngày 10/8/2022, tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Công An Tô Lâm, đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp, đã đặt vấn đề và đề nghị Bộ Công an cho phép thực hiện kinh doanh về cá cược, để quản lý những người muốn hoạt động mà phải lén lút. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, Bộ Công an ủng hộ làm việc này để giảm bớt tình trạng bất hợp pháp. Nhưng cuối cùng Tô Lâm không làm gì để thay đổi.

Công luận thấy rằng, Nhà nước cấm triệt để, nhưng cấm được hay không là cũng là chuyện của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hay kể cả ở Việt Nam, nhà nước cho phép mở các sòng bài cho người nước ngoài, nhưng vẫn cấm người Việt Nam vào chơi, hậu quả là người Việt Nam phải tìm cách sang các nước Campuchia, Lào, Thái lan… để đánh bạc.

Hồi đó, Bộ Công an của Tô Lâm đã đưa ra lời lẽ biện hộ rằng, ngành Công an không đủ lực lượng để quản lý. Nhưng công luận cũng nhận thấy rằng, nếu Bộ Công an nỗ lực thì người Việt không phải qua các nước láng giềng đánh bài, và Nhà nước sẽ thu được lượng tiền thuế không hề nhỏ.

Tuy nhiên, sự thật của đằng sau sự “thờ ơ” có chủ ý của ngành Công an, đó là vấn đề lợi ích nhóm. Nếu cho hợp thức hóa cá độ, số đề…, thì lực lượng công an sẽ mất quyền “làm luật”, với rất nhiều các tổ chức cờ bạc đang tồn tại chui.

Năm 2018, hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị khởi tố bắt giam, do nhận hối lộ hàng chục tỷ từ trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương, để bảo kê đường dây đánh bạc online là một minh chứng.

Tóm lại, nếu loại bỏ tư duy “quản không được thì cấm”,  thì làm sao các cán bộ lãnh đạo có thể kiếm chác được. Bởi vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay cũng chỉ nói cho vui mà thôi, và điều đó cho thấy, ông là người có khiếu hài hước.

 

Trà My – Thoibao.de