Ngày 20/10, báo chí đưa tin “Bộ trưởng Lương Tam Quang và Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương được thăng hàm Đại tướng”.
Đáng nói, ông Lương Tam Quang được thăng hàm Đại tướng, là theo ý đồ của ông Tô Lâm. Vậy ông Nguyễn Tân Cương thăng hàm Đại tướng, là theo ý định của ai? Có phải là do Tô Lâm hay không?
Nếu cho Tô Lâm chọn người trong quân đội để phong hàm Đại tướng, có lẽ, ông sẽ chọn Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến. Bởi Tướng Chiến là người gốc Hưng Yên, là đại diện của Hưng Yên trong quân đội. Ngoài Tướng Hoàng Xuân Chiến, Hưng Yên còn có ông Nguyễn Hồng Thái – Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1. Đây chính là 2 nhân tố có thể giúp ông Tô Lâm hoàn thành tham vọng Hưng Yên hóa quân đội.
Theo một số nhận định, việc chọn Tướng Cương, chứ không phải Tướng Chiến, để phong hàm Đại tướng, được xác định là điều kiện mà phe quân đội đặt ra với Tô Lâm.
Cũng theo một số nhận định, việc ông Tô Lâm quyết tâm đưa ông Lương Tam Quang thăng hàm Đại tướng một cách vô pháp – bất chấp quy định thời gian tối thiểu 4 năm để được thăng hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng – rất có thể đã khiến thế lực trong quân đội phản đối. Họ muốn phe quân đội của họ cũng có đối trọng, để cân bằng với phe công an của Tô Lâm. Kết quả, Tô Lâm phải thỏa hiệp. Ông muốn đưa Lương Tam Quang lên Đại tướng, thì cũng phải chấp nhận đưa ông Nguyễn Tân Cương – Tổng tham mưu trưởng lên Đại tướng.
Việc ông Tô Lâm phong hàm Đại tướng cho một đại diện của phe quân đội, xem như là bước lùi. Đây là lần đầu tiên mà Tô Lâm phải thỏa hiệp, sau thời gian “đánh đâu thắng đó”.
Tiếp theo, ngày 21/10, ông Tô Lâm lại bị buộc phải nhả chức Chủ tịch nước cho phe quân đội. Như vậy, trong 2 ngày liên tiếp, ông phải thực hiện 2 việc nhượng bộ lớn. Cả 2 nhượng bộ này, đều là đối với phe quân đội.
Xem ra, trong tháng 10 này, ông Tô Lâm được 1 nhưng mất 2. Được hàm Đại tướng cho Lương Tam Quang, nhưng mất chức Chủ tịch nước và phải chấp nhận một Đại tướng Quân đội.
Như vậy, phe quân đội đang tiến 2 bước, còn phe Tô Lâm chỉ tiến được 1 bước. Đây là kết quả mà ông không hề mong muốn, nhưng nó lại mở ra kỳ vọng cho phần còn lại trong Bộ Chính trị – phần đã bị Tô Lâm chèn ép quá nhiều trong thời gian qua.
Với 2 bước tiến liên tiếp của phe quân đội, chưa thể nói, quân đội đã cân bằng được với Tô Lâm, mà chỉ là hy vọng. Từ hy vọng đến thành công, còn cả một quá trình với nhiều khó khăn.
Phe Tô Lâm vẫn giữ chức Tổng Bí thư quyền lực nhất. Trong tay ông vẫn còn chức Bí thư Quân ủy Trung ương, nhờ chức này, ông có quyền tham gia trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy chức Bí thư Quân ủy Trung ương chưa phải là “trùm quân đội”, nhưng cũng tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực giữa các phe trong quân đội.
Quyền lực tối cao của ông Tô Lâm vẫn còn trong giai đoạn củng cố. Hiện Ban Bí thư vẫn rất ngổn ngang, Bộ Công an dưới bàn tay của Lương Tam Quang chưa biết có thống nhất hay không? Mà trong lúc này, phe quân đội lại liên tiếp giành 2 thắng lợi trước Tô Lâm, xem ra, ông đang phải giải bài toán khó đầu tiên, sau giai đoạn “thắng như chẻ tre”.
2 “cú ra đòn” của phe quân đội, như là tiếng chuông cảnh báo Tô Lâm. Có thể, 2 cú đấm này sẽ khiến cho Tô Lâm bình tĩnh lại, bước những bước đi vững chắc, chứ không tiến như vũ bão, như trước đây.
Khi giành ngôi, Tô Lâm cần tiến nhanh để chớp thời cơ. Còn khi đã có ngôi vị, thì ông cần giữ vững và củng cố ngôi vị này. Việc giữ ngôi cần rất cẩn thận, đi từng bước chắc từng bước, cố gắng tránh sai lầm.
Lúc này, ông Tô Lâm không cần vội vàng hấp tấp, bởi có rất nhiều vấn đề cần thời gian để giải quyết. Ví dụ, để Hưng Yên hóa Ban Bí thư, có thể cần đến 1 nhiệm kỳ, chứ không thể làm ngày 1 ngày 2.
Tóm lại, với 2 cú đòn của phe quân đội, nội lực của ông Tô Lâm vẫn chưa bị tổn thương gì nhiều. Nó chỉ khiến ông cẩn thận, vững chắc hơn mà thôi.
Thái Hà – Thoibao.de