Hiện nay có suy đoán cho rằng, mặc dù ông Tô Lâm đang nắm giữ cả 2 cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nhưng Trung Quốc vẫn không che dấu những nỗ lực ủng hộ Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, trở thành người nắm quyền lãnh đạo tối cao, tại Đại hội Đảng 14.
Mới nhất, truyền thông Việt Nam và Trung Quốc đồng loạt đưa tin, ca ngợi chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc. Đồng thời cho biết, ông Lý Cường đã bày tỏ cam kết của Trung Quốc, tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trên con đường xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, trong chuyến công cán đến Mỹ, để tham dự Kỳ họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tô Lâm bất ngờ gặp mặt Tổng thống Ukraine Zelensky. Đồng thời, ông cũng đưa ra các phát biểu, mạnh mẽ ủng hộ công cuộc bảo vệ đất nước của người dân Ukraine.
Trước đó, kể từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, Hà Nội đã nhiều lần từ chối bỏ phiếu chống lại Nga, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Với lý do, Nga vốn là một đồng minh lâu năm, và nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam.
Được biết, cuộc gặp với ông Zelensky đã được ông Tô Lâm lên kế hoạch trước, từ Hà Nội. Hơn thế nữa, cuộc gặp này lại diễn ra vào ngày 25/9, ngay trước thời điểm ông Tô Lâm hội đàm cùng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Điều đó chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Nga Putin và Điện Kremlin không hài lòng. Kể cả Bắc Kinh, vốn là một đồng minh và là thế lực ủng hộ Nga, cũng khó có thể chấp nhận.
Đáng chú ý, ngày 23/9, tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ, ông Tô Lâm bất ngờ tuyên bố:
“Con đường phát triển của Việt Nam, không thể tách rời xu hướng chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của chúng tôi là “giàu vì bạn”. Chúng tôi không thể đạt được những mục tiêu cao cả, nếu thiếu sự đoàn kết trong sáng, và sự ủng hộ quý báu từ cộng đồng quốc tế.”
Trong lúc, trên bình diện ngoại giao, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Liên bang Nga, và vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác này trên mọi lĩnh vực, cho dù Nga đã bị Mỹ và phương Tây cấm vận, cô lập cả về chính trị và kinh tế.
Thậm chí, vào tháng 6/2024, Hà Nội vẫn tiếp đón Tổng thống Putin tới thăm, bất kể ông đã bị Tòa Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ. Khi đó, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn khẳng định, “luôn xác định, quan hệ với Liên bang Nga có tầm quan trọng chiến lược, và xem Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Sau chuyến công du Mỹ không lâu, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Cộng hòa Pháp, ông Tô Lâm và Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố, nâng cấp quan hệ Việt – Pháp lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.
Đây là một bước tiến vượt bậc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong quan hệ với châu Âu. Điều đó đã khiến Trung Quốc thực sự không hài lòng, và tỏ ra hết sức lo ngại.
Có ý kiến cho rằng, từ chính sách ngoại giao “cây tre” của Tổng Trọng, ông Tô Lâm đã nhảy sang chính sách đối ngoại “chọn phe”, dựa vào phương Tây và Hoa Kỳ, để chống lại Bắc Kinh.
Trung Quốc và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược và ủng hộ lẫn nhau, trong nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cả cuộc chiến Ukraine. Do đó, các tuyên bố của ông Tô Lâm có lẽ đã gây ra sự căng thẳng, trong quan hệ giữa Việt Nam với cả Nga lẫn Trung Quốc.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là điều chỉnh lập trường của Việt Nam về vấn đề Ukraine, có thể sẽ đem đến không ít rủi ro, trong cả nội trị lẫn đối ngoại.
Đây là thách thức không nhỏ đối với ông Tô Lâm, trong việc duy trì quyền lực.
Trà My – Thoibao.de