Lãnh đạo Việt Nam chọn ổn định quan hệ với Trung Quốc, bỏ qua sự bất bình của người dân

Ngày 14/10, blogger Trần Hiếu Chân có bài bình luận “Tô Lâm và Phạm Minh Chính giảm nhẹ vụ ngư dân Quảng Ngãi bị hành hung?”, đăng trên đài RFA Tiếng Việt.

Tác giả đề cập tới việc, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, diễn ra cùng lúc với chuyến thăm Bắc Kinh của Thường trực Ban Bí thư Việt Nam Lương Cường.

Tác giả cho rằng, chưa bao giờ, các chuyến thăm cấp cao lại nối tiếp và chồng lấn nhau, như 2 chuyến thăm vừa diễn ra.

Điều khiến dư luận có phần còn bất ngờ hơn, tại cả 2 cuộc hội kiến cấp cao nói trên, ít nhất là trên báo chí công khai, dường như, không bên nào nhắc đến thái độ bất bình trước đó của Hà Nội, về việc Trung Quốc tấn công ngư dân Quảng Ngãi vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tác giả cho hay, chỉ trong cuộc hội đàm với Bí thư Ban Bí thư Thái Kỳ, thì ông Lương Cường mới đề nghị 2 bên kiểm soát và giải quyết tốt các vấn đề khác biệt, trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, hữu nghị…

Tuy nhiên, tác giả lưu ý, việc báo chí Việt Nam không đưa tin rộng rãi về chuyến công du của ông Lương Cường tới Trung Quốc, cho thấy, có thể có một số động thái ngoại giao kín đáo và nhạy cảm.

Một lưu ý khác mà tác giả đề cập, là việc ông Tập Cận Bình đã kêu gọi việc tăng cường trao đổi tư tưởng, hợp tác, trong “định hướng dư luận”, nhằm củng cố sự ủng hộ từ phía người dân.

Hiếm khi nhà lãnh đạo Trung Quốc lại chú trọng đến “định hướng dư luận” và “sự ủng hộ của người dân” trong quan hệ Trung – Việt. Chắc hẳn, ông Tập hiểu rất rõ, sự phẫn nộ của hàng triệu người dân Việt Nam, trước những hành động tấn công tàn bạo của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, đối với ngư dân Việt Nam.

Theo tác giả, chính quyền Hà Nội sẽ đứng trước áp lực lớn, khi phải lựa chọn giữa việc duy trì quan hệ với Trung Quốc, hoặc phải đối mặt với sự bất mãn của công chúng ngày càng dâng cao.

Tác giả đặt câu hỏi: Liệu Hà Nội có thể tiếp tục “đối thoại hòa bình” mà không đánh mất lòng tin của người dân?

Tác giả nhận xét, trước đòi hỏi phải duy trì quan hệ hữu hảo của Trung Quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm có phần muốn làm dịu đi sự việc 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc tấn công, vào ngày 29/9.

Tác giả so sánh với với vụ Giàn khoan 981. Khi đó, Tổng Trọng đã nhấn mạnh với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, về tính nghiêm trọng và những tác động tiêu cực của vụ việc.

Tác giả đặt vấn đề: Phải chăng, Tổng Trọng có lập trường kiên quyết và mạnh mẽ hơn, so với cách tiếp cận của Tô Lâm hiện nay, trước những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam?

Tác giả đánh giá, không chỉ ông Tô Lâm, mà cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, vào sáng ngày 13/10 tại Hà Nội, cũng không đề cập đến sự cố liên quan đến ngư dân Quảng Ngãi.

Điều này khiến dư luận trong nước đặt câu hỏi về lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Tác giả dẫn các nguồn tin nội chính, theo đó, nhà chức trách Việt Nam có thể đã nhận định rằng, khi Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Cường sang Hà Nội, với thái độ “vừa đấm vừa xoa”, thì Việt Nam cũng cần biết cách “rửa mặt” cho Bắc Kinh. Sau khi Hà Nội đã có thái độ cứng rắn, công khai lên án hành vi của Bắc Kinh, và đã khơi dậy được dư luận khu vực cũng như quốc tế ủng hộ ngư dân Việt Nam, thì việc “xoa dịu” thay vì tiếp tục “đấm” Trung Quốc là cần thiết.

Tác giả nhận định, đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang tiến triển, nhất là về hợp tác quốc phòng, đồng thời vừa nâng cấp quan hệ Việt – Pháp, thì việc duy trì mối quan hệ ổn định và cân bằng với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn, và là một lựa chọn chiến lược.

Đây không chỉ là cách để tránh gây căng thẳng thêm với Trung Quốc, mà còn để giữ vững vị thế trong tam giác bất cân xứng Việt – Mỹ – Trung.

 

Minh Vũ – thoibao.de