Nhiều ý kiến đóng góp để Hà Nội xứng đáng trở thành niềm tự hào của cả nước

Ngày 11/10, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Phải làm gì để thủ đô là niềm tự hào của đồng bào cả nước?”, của tác giả Diễm Thi.

Tác giả cho biết, nhân kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu rằng, Đảng và Nhà nước mong muốn thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn nữa, để trở thành niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ cả nước, như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Tô Lâm:

“Chúng ta tự hào vì có Thăng Long – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng – nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam”.

Tác giả dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc – một giảng viên đại học chuyên ngành Đông Nam Á học và quan hệ quốc tế, cho rằng:

“Bây giờ nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể tự hào là chúng ta góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, trên phạm vi toàn thế giới bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi việc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Mà chuyện độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trong 49 năm qua, là của cả dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Hà Nội làm gì để nhân dân cả nước phải học tập, phải tự hào, thì phải xem lại.”

“Tất cả các vùng, miền, các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, thì trung tâm nào cũng quan trọng. Trong đó, 2 trung tâm quan trọng nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dân số ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều hơn Hà Nội; thu ngân sách tính trên bình diện quốc gia thì thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc cần phải làm để cho mười mấy triệu dân sống và phát triển; để thành phố này tiếp tục tạo ra tiền để “cùng cả nước, vì cả nước”, nhưng thành phố Hồ Chí Minh chỉ được giữ lại 21% ngân sách thu được, trong khi Hà Nội được giữ lại 32% tiền thu ngân sách” – ông Phúc nói.

Ông Phúc kết luận: “Tôi cho điều đó là không công bằng. Muốn cho người dân cả nước tự hào về thủ đô Hà Nội, thì Hà Nội phải công bằng; người Hà Nội phải công bằng; chính quyền Hà Nội phải công bằng, trong việc phát triển đất nước. Phải bình đẳng tất cả các mặt, kể cả công sức đóng góp, thì mới có thể tự hào. Và cái tự hào đó phải từ tinh thần tự giác và cảm nhận của từng người dân, chứ không phải có một khẩu hiệu và nói cả nước phải tự hào.”

Tiếp tục với các ý kiến, bình luận, về mong muốn của ông Tô Lâm, rằng thủ đô Hà Nội phải trở thành niềm tự hào của đồng bào cả nước, tác giả dẫn nhận xét của nhà báo độc lập Nam Việt, cho rằng:

“Người Cộng sản hay nói mọi thứ mơ hồ và không cụ thể như vậy. Nếu Tô Lâm nói mong người dân cả nước tự hào về thủ đô, thì cần tự hào về điểm gì? Bởi cái gọi là thủ đô ấy, cũng có quá nhiều những vấn nạn, như là ô nhiễm, ngập nước… và thậm chí là những tệ nạn trong giáo dục hành chính vẫn còn xảy ra hàng ngày. Và người dân thủ đô là người dân nào?”.

Tác giả cũng dẫn ý kiến của ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động dân chủ tại Sài Gòn, nói rằng:

“Khi Tô Lâm nói: “Đảng, Nhà nước mong muốn thủ đô là niềm tự hào của đồng bào cả nước”, cho thấy Đảng Cộng sản đang ưu tiên phát triển thủ đô hơn là các vùng còn lại. Mọi nguồn lực sẽ dồn về thủ đô, để làm đẹp bộ mặt của nhà nước Cộng sản”.

Trong khi đó, tác giả lưu ý, cũng có ý kiến cho rằng, để Hà Nội là niềm tự hào của người dân cả nước, thì Hà Nội phải là tấm gương cho cả nước noi theo về nhiều mặt. Hà Nội không thể là niềm tự hào của cả nước, khi có số cán bộ bị kỷ luật, tù tội cao nhất nước như hiện nay.

 

Quang Minh – thoibao.de