Các sinh viên học quân sự tại Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tố cáo nhà ăn của nhà trường cho ăn cơm thừa, canh cặn, và có cả có ruồi gián trong khẩu phần ăn.
Theo báo Dân Trí, ngày 8/10, nhiều sinh viên cho biết, cơm thừa trong bát của từng bàn trong bữa ăn trước, được thu gom, trộn đều, và đổ vào khay. Sau đó, nhà ăn đã chia số đồ ăn thừa cho các sinh viên đến ăn sau.
Sau khi được truyền thông nhà nước phản ảnh, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bất bình. Đồng thời, dư luận khẳng định, đây là việc không thể chấp nhận được, và đề nghị cần phải làm nghiêm, xử lý đến cùng.
Tuy nhiên, cách xử lý của Ban lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thể hiện sự “khó hiểu”, không thể chấp nhận được. Theo Phó Giám đốc Huỳnh Đăng Chính, một số thông tin phản ảnh là đúng sự thật, nhưng cũng có thông tin chưa chính xác.
Trên mạng xã hội, có sự tố cáo rằng, lãnh đạo nhà trường đã lập tổ công tác, điều tra xem có bao nhiêu sinh viên nói xấu nhà trường, trong các bài đăng trên mạng internet, để trừ điểm rèn luyện. Đồng thời, nhà trường cũng đưa ra các khuyến cáo đối với các sinh viên, “cần phải cẩn trọng trong việc bày tỏ ý kiến”. Điều này dường như đã đổ gáo nước lạnh vào sự phẫn nộ của công luận.
Được biết, đơn vị cung cấp khẩu phần ăn cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, là Công ty Dịch vụ Đầu tư Thương mại Bách Khoa. Mỗi ngày, đơn vị này cung cấp khoảng 2.000 suất ăn, cho sinh viên tham gia huấn luyện quân sự. Các suất ăn này do sinh viên nộp tiền trong khóa học 2 tuần, với chi phí khoảng 1 triệu 6 trăm ngàn đồng.
Ngay sau khi sự việc bị tố cáo, nhà trường đã dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn.
Mới nhất, ngày 12/10, Bộ Giáo dục Đào tạo vừa có công văn gửi tới Đại học Bách khoa Hà Nội, về sự việc nói trên.
Theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu Đại học Bách khoa Hà Nội xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của công luận, về chất lượng bữa ăn không bảo đảm. Đồng thời, yêu cầu Đại học Bách khoa Hà Nội phải xử lý nghiêm đối với tập thể, và cá nhân có liên quan, theo quy định của pháp luật.
Những điều kể trên đã thể hiện một lối tư duy của lãnh đạo Việt Nam, ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương tới địa phương. Đó là, luôn nhìn người dân như thế lực thù địch, hễ có ai lên tiếng, có ý kiến trái chiều, thì ngay lập tức, tìm mọi cách để bịt miệng.
Trong khi, những ý kiến của sinh viên trong vụ việc vừa kể, là quyền cũng như trách nhiệm, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, ở Bình Dương, Công ty Cổ phần May mặc đã cho công nhân quẹt thẻ, để chọn phần cơm mà mình thích. Công ty này đã thiết kế máy quẹt thẻ cho công nhân, và cuối bữa ăn, dựa vào số thẻ, công ty sẽ thanh toán tiền với đơn vị nấu ăn.
Quan trọng hơn, mỗi ngày, ở nhà ăn sẽ có 2 đơn vị cung cấp khẩu phần ăn khác nhau, nhằm có sự cạnh tranh về thực đơn và phong cách phục vụ, để công nhân có sự lựa chọn tốt hơn. Và điều đó đã mang lại những bữa cơm chất lượng cao nhất cho người lao động.
Đây là một hình mẫu đáng chú ý và cần nhân rộng.
Tương tự, trong việc quản lý đất nước ở tầm vĩ mô, nếu có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đảng chính trị, để người dân có quyền lựa chọn, thì chắc chắn, đất nước sẽ phát triển tốt hơn. Vì cạnh tranh khiến các đảng phái phải đưa ra các chính sách hợp lòng dân, và nỗ lực thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Đây là một sự thật rất đơn giản, nhưng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cứ giả điếc, không muốn nghe, và không chịu hiểu.
Trà My – Thoibao.de