Ngày 7/10, tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên án tù chung thân, chung cho 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình. Như vậy, nếu nay cộng thêm án chung thân, thì tổng hợp án vẫn là tử hình. Mức án bị đề nghị ở phiên tòa giai đoạn 2 này, có phần nhẹ hơn phiên tòa trước. Bà Lan luôn là người phải chịu mức án cao nhất, trong số các bị cáo.
Các vụ án của bà liên quan đến rất nhiều nhân vật lớn. Đáng chú ý là sự giúp sức của ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, để thâu tóm đất vàng; và sự giúp sức của ông Nguyễn Văn Bình – cựu Phó Thống đốc, rồi sau đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong việc thành lập Ngân hàng SCB, hồi năm 2012.
Vụ án này được kỳ vọng sẽ khui ra những nhân vật lớn một thời, để những quan tham từng phá hoại nền kinh tế đất nước phải đền tội. Nhưng sự thật thì, Bộ Công an đã khoanh vùng, không cho động đến những nhân vật lớn này. Các quan chức nhúng chàm vẫn được bảo vệ, còn chủ doanh nghiệp thì bị đem ra làm “dê tế thần”.
Bà Trương Mỹ Lan không thể thâu tóm đất vàng, cũng không thể tổ chức lừa đảo với quy mô lớn trong thời gian dài như thế, nếu không có sự giúp sức của các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, những thủ phạm chính đã tạo ra một Trương Mỹ Lan khuynh đảo nền kinh tế, lại được bảo vệ. Đây là kiểu chống tham nhũng để khoe thành tích, chứ không phải chống triệt để.
Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo đồng phạm là dịp để thị trường buôn bán công lý sôi động lên. Theo sau bề nổi của vụ án, là những màn “chạy án” đằng sau cánh gà của sân khấu đang diễn tuồng công lý này. Đây là thông tin được những người trong cuộc cung cấp.
Trên thực tế, những đại án kinh tế đều có màn “chạy án”. Gần đây nhất là vụ chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á. Những vụ án này, ban đầu đưa ra nhiều mức án rất cao, trong đó có cả tử hình và chung thân. Nhưng khi kết án thì không còn án tử nào, và án chung thân cũng được giảm xuống rất nhiều. Đấy là kết quả của quá trình chạy chọt đằng sau hậu trường.
Còn nhớ, hồi tháng 3, khi vụ án Vạn Thịnh Phát sắp đưa ra xét xử giai đoạn 1, cơ quan tố tụng cũng đề nghị 13 bị cáo ở khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình. Nhưng đến khi kết thúc, thì chỉ còn 1 án tử dành cho bà Lan. Tức là, phiên tòa này đã thành công bán 12 án có nguy cơ bị tử hình. Số tiền thu được ắt không nhỏ.
Việc bà Lan vẫn bị tòa tuyên án tử, nguyên nhân được cho là, giá để mua án tử của bà quá cao, nên chưa bán được. Một số nhân vật am hiểu tình hình, đánh giá rằng, trước sau gì thì vị đại gia gốc Hoa này cũng sẽ xuất tiền túi ra, để mua án. Còn có phiên phúc thẩm, và còn lệnh ân xá của Chủ tịch nước, bà Lan còn rất nhiều cơ hội để mua án thoát thân.
Vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan tuy lớn, nhưng điều tra và xét xử không đến nơi đến chốn. Việc các quan lớn đã giúp bà thâu tóm đất vàng, và thâu tóm Ngân hàng SCB, đều thoát, cho thấy, nguyên nhân gây ra sự méo mó của nền kinh tế vẫn không được chấn chỉnh. Quan chức đỡ đầu sân sau để làm giàu bất chính, vẫn được bảo vệ. Đấy chính là vùng cấm tai hại.
Với bộ máy công quyền này, với hệ thống tư pháp này, thì sẽ luôn sản sinh ra những Trương Mỹ Lan. Triệt một tội phạm, thể chế này sẽ sinh ra nhiều tội phạm khác. Muốn triệt được tham nhũng và hiện tượng doanh nghiệp thân hữu, chỉ có thể thay đổi chế độ, từ bỏ tư tưởng Cộng sản.
Thái Hà – Thoibao.de