Vấn đề nhân quyền thường bị bỏ qua khi các hãng công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam

Ngày 5/10, RFA Tiếng Việt cho hay, “Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đối mặt với các quan ngại về nhân quyền, khi đầu tư vào Việt Nam”.

Theo đó, Tập đoàn công nghệ lớn Meta hồi tuần này đã tuyên bố, sẽ sản xuất thiết bị kính thực tế ảo tại Việt Nam, tạo ra khoảng 1.000 việc làm. Nhưng Công ty mẹ của Facebook lại không hề nhắc tới vấn đề tự do ngôn luận.

RFA cho biết, Chủ tịch phụ trách quan hệ đối ngoại toàn cầu của Meta Nick Clegg đã có mặt ở Hà Nội vào thứ hai (30/9), gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Clegg cũng gặp Chủ tịch – Tổng Bí thư Tô Lâm hồi cuối tháng 9, có nghĩa là, ông đã có các thảo luận với những người nắm 3 vị trí cao nhất trong “Tứ trụ”.

Theo RFA, hãng Meta cho biết, các cuộc gặp của ông Clegg nhấn mạnh cam kết của công ty đối với việc ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, hướng đến là một nền kinh tế số hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Nhưng không hề có một nhận xét nào từ hãng công nghệ chuyên về mạng xã hội, liên quan đến liệu ông Clegg có thảo luận với lãnh đạo Việt Nam, về bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến của hơn 75 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam.

RFA nêu một ví dụ, hồi tháng 8 vừa qua, một Facebooker là Lê Phú Tuân đã bị kết án 4 năm và 8 tháng tù, chỉ vì đăng 21 video lên Facebook. Viện Kiểm sát cáo buộc rằng, nội dung các video là “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích, quyền và lợi ích của Nhà nước, các tổ chức và các cá nhân”.

RFA dẫn lời ông Phil Robertson – Giám đốc Tổ chức về Lao động và Nhân quyền châu Á cho biết:

“Một điều tra nhanh về hơn 160 tù chính trị ở Việt Nam, sẽ cho thấy rằng, hầu như tất cả họ bị bỏ tù, một phần vì những gì họ viết trên mạng, đặc biệt là Facebook, nhưng rõ ràng là, điều này không có nghĩa lý gì với Meta.”

RFA cũng cho biết, Meta cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của tự do bày tỏ ý kiến, và tạo điều kiện cho con người được quyền bày tỏ ý kiến của mình tự do nhất có thể. Mặc dù, các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích Meta trong việc giới hạn các nội dung đăng trên Facebook, khi phải đối mặt với sức ép từ các chính phủ độc tài.

Meta nói rằng, công ty có một quá trình để hồi đáp các yêu cầu của Chính phủ, và hãng xem xét các chính sách của công ty cùng với luật nội địa, và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Vẫn theo RFA, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam – ông Tô Lâm, cũng đã gặp lãnh đạo của Google tại Mỹ, vào cuối tháng 9 vừa qua, nhưng không có thông tin xác nhận nào trên truyền thông, rằng, Google sẽ xây dựng siêu trung tâm dữ liệu gần Sài Gòn.

RFA dẫn truyền thông nhà nước, đưa tin về cuộc gặp của Tổng Bí thư Tô Lâm với Phó Chủ tịch Google, phụ trách quan hệ với chính phủ và chính sách công chúng, tại New York. Theo đó, Phó Chủ tịch Google Karan Bhatia đã đưa ra ý kiến về việc mở văn phòng của Google tại Sài Gòn, và việc sản xuất điện thoại, cùng các phụ kiện ở đó, là bằng chứng về cam kết đối tác của hãng với Việt Nam.

Tuy nhiên, RFA cho biết thêm, hiện Google chưa đưa ra bình luận gì về khả năng hãng có xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam hay không. Và hãng cũng chưa có phản hồi đối với câu hỏi, về việc Việt Nam bỏ tù những người sử dụng YouTube, vì đưa các nội dung bị coi là chỉ trích Chính phủ.

Ông Robertson nhận xét:

“Việt Nam đã trở thành quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong ASEAN, chỉ sau Myanmar đang có chiến tranh.”

“Việt Nam đã hoàn thiện mô hình vi phạm nhân quyền của các doanh nghiệp phương Tây bắt tay với chế độ độc tài, độc đảng tàn bạo, và Tô Lâm sẽ chủ trì thỏa thuận này bằng nắm đấm sắt.”

 

Thu Phương – thoibao.de