Sau khi ra tù, bà Nguyễn Phương Hằng đã có buổi tái xuất với người hâm mộ, tại khu du lịch Đại Nam. Đáng nói là, số người hâm mộ bà tập trung về đây rất đông – một hiện tượng chưa từng có, với một người không thuộc showbiz.
Tại buổi gặp mặt này, bà Hằng trình bày 2 bài hát do bà chế ra lời. Đáng nói là, bài nhạc chế “T30 và Tôi”, khẳng định rằng, bà đã hy sinh và tranh đấu cho người dân. Điều này như là một sự phản kháng với giới cầm quyền.
Trước khi bị bắt, bà Hằng đã tấn công vào những mặt tối của xã hội. Ban đầu là tố cáo thầy lang Võ Hoàng Yên, sau đó là khui ra hàng loạt mảng tối, sau hoạt động của những người nổi tiếng. Một số người trong giới showbiz, lâu nay vẫn tự cho mình là “vùng cấm”, cũng bị bà Hằng tấn công. Dù là ca sĩ có lượng fan hâm mộ rất đông, thì cũng phải ôm hận vì bà.
Ngoài giới showbiz, còn có một số người trong giới luật sư cũng bị bà khui ra. Cho đến khi, bà réo đến tên ông Phan Văn Mãi, thì bà bị bắt. Sau đó, bà bị cáo buộc vi phạm Điều 331 – Bộ luật Hình sự 2015 – một điều luật do chính quyền này tạo ra, vốn để đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Những vấn đề mà bà Hằng động chạm rất rộng, trải dài từ một lang băm, đến giới showbiz, rồi đến giới luật sư, cuối cùng lại có liên quan đến giới chính trị. Trong xã hội nhiễu nhương hiện nay, giới chính trị gia được cho là đã tiếp tay cho những hoạt động phi pháp. Nếu không tham gia trực tiếp, thì họ cũng là những người nuôi lớn những loại mô hình lừa đảo, bằng cách hậu thuẫn cho kẻ phạm pháp, hoặc đơn giản là làm ngơ.
Ông Võ Hoàng Yên – người đã bị bà Hằng vạch mặt chỉ tên, là lừa đảo bệnh nhân, nhưng ông không bị pháp luật động đến. Được biết, ông có quen biết với ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Có ý kiến cho rằng, bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, vì nhà cầm quyền sợ bà nổi tiếng hơn lãnh tụ của họ. Đỉnh điểm, kênh YouTube và Facebook của bà thu hút lượng người xem nhiều hơn đài truyền hình quốc gia. Đáng nói là, những lãnh tụ được 800 tờ báo luôn tô hồng và phong thánh, nhưng vẫn không đủ lực để thu hút người dân, như bà Nguyễn Phương Hằng.
Một chế độ biến lãnh tụ của họ thành huyền thoại, rồi nấp sau lưng huyền thoại để hưởng lợi từ người dân, thì họ rất e ngại đối với những người có khả năng nổi tiếng hơn lãnh tụ của họ. Đó là lý do khiến một số nhà phân tích cho rằng, chính quyền Cộng sản cần phải bắt bà Hằng để răn đe. Và tất nhiên, họ dùng một Điều luật mơ hồ, dễ suy diễn, như Điều 331, để buộc tội bà.
Lần tái xuất này, có lẽ, bà Nguyễn Phương Hằng đã ý thức được rằng, không nên đụng đến giới quyền lực. Tuy nhiên, việc bà có một lượng fan hâm mộ khổng lồ, cũng đủ để khiến cho chế độ này lo lắng. Ngoài lượng fan hùng hậu, bà còn có một địa điểm sở hữu riêng, để người hâm mộ có thể tìm đến. Bà có cách nói chuyện đầy cảm xúc chân thật, không hoa mỹ, không màu mè, nên rất dễ được một số đông đón nhận. Đây mới là điều khiến bà bị chú ý.
Trước đây, bà Hằng cần dùng mạng xã hội truyền tải thông điệp. Nay, người hâm mộ ùn ùn kéo đến tận nơi để nghe bà nói. Rõ ràng, bà Hằng đã tái xuất, mà còn lợi hại hơn xưa.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của bà, khả năng thu hút đám đông của bà, chính là điểm cần chú ý hơn cả. Chính quyền này sẽ tiếp tục tìm cách bịt miệng bà. Họ có đủ thứ lý do để chụp mũ, có những điều luật mơ hồ để kết tội, và có lực lượng thực thi pháp luật để ra tay.
Ở một đất nước dân chủ, chính quyền có trách nhiệm bảo vệ những người lên tiếng chống bất công, mà bị đe doạ, uy hiếp. Còn ở xứ độc tài Cộng sản, thì “pháp quyền” chỉ là khẩu hiệu, họ sẽ có cách để vu tội và chụp mũ, nếu họ muốn.
Hoàng Phúc – Thoibao.de