Ông Trọng nào cũng bảo thủ

Ngày 27/9, báo Tiếng Dân đăng bài “Phải tự “kiểm điểm” lại tư duy của mình”, của học giả Trương Nhân Tuấn.

Tác giả cho rằng, những người “lạc quan” về sự cải cách thể chế ở Việt Nam, có lẽ, phải tự “kiểm điểm” lại tư duy của mình.

Tác giả từng là một người trong nhóm “lạc quan tếu” này, nhưng ông nghiệm ra rằng, thấy vậy nhưng không phải vậy.

Tác giả đề cập đến “tài liệu mật” là Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 13/7/2023, bị bị nhóm “Dự án 88” bật mí, và được BBC News Tiếng Việt phân tích nội dung khá thấu đáo. Mục tiêu Chỉ thị nhằm “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng“.

Tuy nhiên, bài phân tích của BBC cho thấy, mục đích của Chỉ thị 24 không hề để “bảo đảm an ninh quốc gia”, mà chỉ nhằm củng cố sự lãnh đạo của Đảng.

Cụ thể, chỉ thị này gồm 9 nội dung, trong đó, đáng chú ý là:

  • Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
  • Không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
  • Đề cao cảnh giác, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật, làm suy yếu chế độ từ gốc.
  • Không để nước ngoài lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.
  • Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, trong đấu tranh với các trào lưu của chủ nghĩa dân túy, bất tuân dân sự, quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, hành vi cổ xúy cho văn hóa ngoại lai…
  • Đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối chính trị, các loại tội phạm, nhất là hoạt động cài cắm nội gián, kích động biểu tình, bạo loạn…

Tác giả đánh giá, Chỉ thị 24 “ngồi xổm” lên Hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được “Dự án 88” chỉ ra rành mạch. Chỉ thị 24 còn cho thấy, Việt Nam thân Trung Quốc, chống Mỹ và chống Tây phương.

Tác giả đặt câu hỏi: Ai là (những) tác giả của Chỉ thị 24? Câu trả lời dĩ nhiên là ông Trọng rồi! Nhưng còn những ai nữa?

Điều tác giả muốn biết, và có lẽ, rất nhiều người cũng muốn biết, là trong Bộ Chính trị, những ai thuộc phe “bảo thủ” và những ai thuộc phe “cải cách”?

Theo tác giả, những người được ông Trọng tin cậy là những người bảo thủ, bằng hoặc kém hơn ông Trọng một chút.

Ai đã “loại” những thanh phần bảo thủ này ra khỏi cuộc đua quyền lực? Thưa, đó là ông Tô Lâm.

Từ đó, “tư duy” của tác giả “có vấn đề”. Ông nghĩ rằng, ai “cũng nghĩ như mình”. Có vấn đề là vì, ông đặt Tô Lâm vào phe “cải cách”. Nếu là ông, thì ông sẽ thả hết tù nhân chính trị, trước khi đi Mỹ.

Tô Lâm gặp Biden “bên lề” Hội nghị Liên Hiệp Quốc. Công lao chuyến gặp gỡ là kết quả vận động của Bộ Ngoại giao. Chuyện này không có ý nghĩa gì cả.

Tô Lâm cũng cố gắng đi gặp gỡ một số nhân vật lãnh đạo các tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ, thuyết phục họ đầu tư vào Việt Nam. Kết quả, Tô Lâm chỉ gặp được “cấp phó” mà thôi.

Kết quả tồi tệ như vậy, là vì, Tô Lâm “không biết mình là ai”.

Nếu là “tôi”, thì “tôi” biết, “tôi” là ai. “Tôi” biết, “tôi” là “tên đồ tể”, là “ông chúa ngục”, là kẻ “vi phạm nhân quyền”, là “miệng ăn bò dát vàng nhưng chỉ nói ra lời đạo đức giả”…

Tác giả nhận xét, đã đành, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Tô Lâm làm những chuyện đó chỉ vì “tuân thủ” hay “chấp hành” những chỉ thị của ông Trọng, hay của Bộ Chính trị. Nhưng khi đã “đít ngồi 2 ghế”, khi quyền uy đã “bao trùm khắp thiên hạ” rồi, thì tại sao không “ra uy” bằng cách thả hết tù nhân?

Tô Lâm cũng tham gia “forum” của Đại học Columbia. Ở đây, Tô Lâm bộc lộ những yếu kém và thể hiện mình cũng chỉ là một ông Trọng.

Ông Trọng nào cũng bảo thủ hết cả.

 

Minh Vũ – thoibao.de