Vì sao chính trường Việt Nam sẽ “sóng to, gió lớn”, sau khi ông Tô Lâm công du Mỹ?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến công cán tại Mỹ, và chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba, từ ngày 21 đến 27/9. Đây là chuyến đi đến Hoa Kỳ đầu tiên của ông trên cương vị Tổng Bí thư – Chủ tịch nước.

Trên đất Mỹ, ông Tô Lâm đã có khoảng 50 hoạt động đáng chú ý, bao gồm cả việc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden; có bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới tại Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, một đoạn trong bài phát biểu của ông, trong lễ kỷ niệm một năm nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, tại Viện Asia Society, New York, Hoa Kỳ, đã bị truyền thông nhà nước cắt bỏ, không rõ lý do.

Điều vừa kể cho thấy, kể cả phát biểu của người đứng đầu Đảng và nhà nước Việt Nam, cũng bị “cảnh sát tư tưởng” – tức Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm duyệt, sẵn sàng cắt bỏ.

Đáng chú ý, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – ông trùm “cảnh sát tư tưởng”, đã đích thân tham dự đoàn công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong buổi hội đàm giữa Chủ tịch Tô Lâm và Tổng thống Biden, Tướng Nghĩa ngồi bên tay phải của ông Tô Lâm, chỉ cách ông Nguyễn Hòa Bình. Theo một số suy đoán, điều đó cho thấy, dường như có sự chỉ đạo từ xa đối với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bài nói chuyện của ông Tô Lâm được báo Tuổi Trẻ đăng tải toàn văn, có đoạn:

“Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu: Hoan nghênh phái đoàn Mỹ.”

Đây là một sự thật lịch sử không thể bác bỏ. Tuy nhiên, với chủ trương “bóp méo” lịch sử, nó đã bị che giấu trong một thời gian dài. Gần đây, những sự thật trong mối quan hệ Việt – Mỹ cách đây 79 năm đang dần dần phát lộ.

Tuy nhiên, theo một số suy đoán, đoạn phát biểu về “những người bạn Mỹ” của ông Tô Lâm, có lẽ đã gây khó chịu không nhỏ cho người “đồng chí” phương Bắc và phe bảo thủ chiếm đa số trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, việc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như sự kiện ông Tô Lâm bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky, được coi là hành động được lòng quốc tế và giới trí thức trong nước.

Hiện nay, công luận đang chú ý, xem những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10, trước khi đi công du Mỹ, có thực chất hay không?

Tại Hội nghị Trung ương 10, trên cương vị người đứng đầu Đảng, ông Tô Lâm đã trích dẫn các huấn thị của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, liên quan đến thái độ của Việt Nam đối với chính quyền Bắc Kinh. Hồi đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Trung Quốc luôn là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”, và tinh thần đó được đưa vào Hiến pháp Việt Nam năm 1982.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh, trước, trong và sau Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm đã phải chịu sức ép rất lớn từ phe bảo thủ trong Đảng, với trung tâm là lực lượng tướng lĩnh quân đội, vốn trung thành với cố Tổng Bí thư Trọng và thân Trung Quốc. Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng không nhất trí sửa đổi Điều lệ Đảng, được cho là một thất bại không nhỏ đối với ông Tô Lâm.

Theo một số phân tích, tới đây, ông Tô Lâm chỉ còn giữ chức Tổng Bí thư Đảng, đồng nghĩa với việc, ông không còn tư cách là người đứng đầu nhà nước, để đại diện cho Việt Nam gặp gỡ chính thức các nguyên thủ quốc gia khác. Có thể đây  là những bất lợi cho chiến lược ngoại giao mới của Tổng Bí thư Tô Lâm, do phe bảo thủ cố tình tạo ra.

Đó cũng là lý do, trong những ngày sắp tới, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục sóng gió trở lại. Liệu ông Tô Lâm có đủ bản lĩnh và năng lực để tiếp tục thay đổi hay không?

Chúng ta hãy chờ xem.

 

Trà My – Thoibao.de