Ông Nguyễn Phú Trọng là một Tổng Bí thư rất tham vọng, ông muốn nắm giữ quyền lực suốt đời và lưu danh sử sách. Riêng về việc ngồi ghế suốt đời, ông đã toại nguyện. Còn giấc mơ lưu danh sử sách theo cách mà ông muốn, thì ông không đạt được, dù ông đã cố gắng.
Ông Trọng lập nên “lò đốt tham nhũng: nhằm 2 mục đích. Thứ nhất là dẹp bỏ các thế lực khác, giúp ông ngồi ngai suốt đời. Thứ nhì là để lấy tiếng về một Tổng Bí thư thanh liêm, mạnh tay diệt trừ sâu bọ trong Đảng, mang lại bình yên cho dân. Đây chính là cách mà ông muốn lưu danh sử sách.
Rõ ràng, ông Trọng chống tham nhũng mạnh tay hơn các tổng bí thư trước đó. Nhưng sự thật, ông càng chống thì chỉ càng phơi bày rõ nét hơn sự xấu xa của thành phần mang thẻ Đảng, lâu nay vẫn lên giọng đạo lý trước nhân dân.
Ông Trọng bị kẹt giữa 2 phạm trù mâu thuẫn nhau, mà ông không nhận ra. Đó là, ông chống tham nhũng, nhưng lại bảo vệ nguyên nhân sinh ra tham nhũng. Bởi nguyên nhân sinh ra tham nhũng, chính là hệ thống chính trị Cộng sản. Nhưng ông Trọng lại là người bảo vệ Đảng Cộng sản đến “hơi thở cuối cùng”.
Thực tế đã cho thấy, ông Trọng càng chống, thì tham nhũng càng tăng. Ngay cả những người thân cận được ông chọn kế vị, cũng tham nhũng khủng, để rồi bị Tô Lâm đánh gục.
Hiện nay, ông Trọng được Ban Tuyên giáo thần thánh hóa, tuy nhiên, những điều họ tuyên truyền lại chẳng có giá trị lịch sử. Ngay cả ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp, cũng chỉ là những ông thánh được tuyên giáo tô vẽ.
Lịch sử của các nước cựu Cộng sản trên thế giới, đã chứng minh rằng, sau khi chế độ Cộng sản ở các nước này sụp đổ, thì hồ sơ về các lãnh tụ Cộng sản cho thấy, họ đều là tội đồ. Những thứ xây dựng trên nền tảng Cộng sản đều là phù phiếm, chỉ để lại ô danh trong sử sách.
Nguyễn Phú Trọng không thể làm nên điều vĩ đại để lưu danh sử sách, thì những điều mà tuyên giáo tô vẽ về ông cũng chỉ là phù phiếm. Ngày sau, lịch sử đất nước cũng chỉ ghi nhận ông là một người Cộng sản bảo thủ, kéo chậm sự tiến bộ của quốc gia, chứ không phải là “nhân vật vĩ đại”.
Là người nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong Đảng, dẹp bỏ mọi thế lực chống đối trong suốt một thời gian dài, ông Trọng có cơ hội rất lớn để làm nên lịch sử, nếu ông dám dẹp bỏ Đảng Cộng sản, để dân chủ hóa đất nước, như Gorbachev của Liên Xô. Tuy nhiên, ông Trọng đã không làm, ngược lại, ông còn ra sức bảo vệ cái di sản tệ hại này, để nó tiếp tục tàn phá đất nước.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, với ông Tô Lâm thì sao? Liệu Tô Lâm có đi vào vết xe đổ của ông Nguyễn Phú Trọng hay không?
Bất kỳ một ai, khi đã lên được ghế Tổng Bí thư, thì đều có cơ hội để lưu danh sử sách, với tên tuổi vượt qua Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Những bước đi gần đây cho thấy, ông Tô Lâm có nhiều cái mới hơn, so với ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, đấy chỉ là chiêu bài chính trị, hay là thiện chí thực sự của ông, thì vẫn chưa thể kết luận.
Với quyền lực của một Tổng Bí thư trong tay, ông Tô Lâm hoàn toàn có cơ hội để tạo nên cơn địa chấn chính trị, và đưa đất nước đi lên.
Đã rất nhiều đời tổng bí thư hô hào rất mạnh miệng, nhưng rồi, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, bất công, mất tự do vv… Còn nhớ, năm 2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hô hào, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp tiên tiến vào năm 2020, nhưng rồi thất bại thảm hại. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, vẫn bởi còn tồn tại Đảng Cộng sản.
Nếu Tô Lâm muốn làm nên lịch sử, ông hoàn toàn có thể. Nếu ông đủ can đảm để loại bỏ cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân, chính là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản. Nếu không, ông cũng chỉ đi vào vết xe đổ của ông Nguyễn Phú Trọng mà thôi.
Trần Chương – Thoibao.de