Khả năng nắm giữ quyền lực của ông Tô Lâm sẽ rõ ràng hơn sau khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Ngày 19/9, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả David Hutt – nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á, với tựa đề “Ông Tô Lâm có thể đẩy cuộc “đảo chính cung đình” của mình xa đến đâu trước khi gặp phải kháng cự?”

Tác giả nhận xét, khác với Trung Quốc nằm dưới sự lãnh đạo tối cao của ông Tập Cận Bình, Việt Nam được điều hành bởi hệ thống “Tứ trụ”, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Cơ cấu này được thiết kế để ngăn ngừa việc thể thâu tóm quyền lực vào một người, đã được duy trì cho đến tận hôm nay, khi cụm từ “đảo chính cung đình” đang được xì xào khắp Hà Nội.

Tác giả đánh giá, ông Tô Lâm sử dụng chống tham nhũng như là một công cụ, chứ không phải là một chiến dịch đạo đức. Ông Tô Lâm có vẻ giống cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều hơn giống cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tác giả, từng là một cựu cảnh sát, ông Dũng là một người thực dụng trong các vấn đề đối ngoại và kinh tế. Ông nhìn thấy, việc cho phép tham nhũng như một cách để củng cố Đảng cầm quyền đang bị chia rẽ.

Các quan chức từ trên xuống dưới trong hệ thống quyền lực, có thể gắn kết với nhau, bởi cùng động cơ làm giàu cá nhân, trong khi, bộ máy Trung ương của Đảng có thể gây ảnh hưởng tới các tỉnh, thông qua những bảo trợ của mình.

Ngược lại, ông Trọng đã chứng minh rằng, chống tham nhũng là một cách tốt hơn để gắn kết Đảng, thông qua sự sợ hãi và tấm gương đạo đức.

Tác giả cho rằng, ông Tô Lâm hứa rằng, chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục. Nhưng thiếu vắng sự chính trực đạo đức của ông Trọng, tất cả những gì còn lại chỉ là nỗi sợ hãi.

Vẫn theo tác giả, đã có một số phản ứng chống lại ông Tô Lâm nhưng không thành công, lấy dẫn chứng từ việc một vài nhân vật trong Đảng đã cố gắng đưa ông Trần Quốc Tỏ, em trai của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vào vị trí Bộ trưởng Công an.

Tác giả nhận định, cuộc tranh giành cho thấy, ông Tô Lâm vẫn cần phải làm hài lòng các phe phái khác trong Đảng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8, trước khi đến Bắc Kinh, ông Tô Lâm đã đến Quảng Châu, thăm di tích của ông Hồ Chí Minh. Điều này chắc chắn làm hài lòng các nhà tư tưởng của Đảng.

Ông Tô Lâm cũng sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng này, làm hài lòng phe cánh ủng hộ mối quan hệ gần cận hơn với Washington trong Đảng.

Tác giả đề cập đến lời đồn thổi cho rằng, ông Tô Lâm vẫn còn các đối thủ, như ông Trần Cẩm Tú, ông Phạm Minh Chính, hay phe quân đội.

Quân đội hiện là khối lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chiếm khoảng 13% số thành viên.

Điều này cho thấy, có thể có một cuộc tranh giành quyền lực mới, giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, giống như khi ông Trọng và Dũng so găng.

Tác giả cũng đề cập đến vụ tấn công vào Đại học Fulbright Việt Nam và việc cố ý khuấy động tâm lý bài Mỹ, bị đồn là do phía quân đội gây ra, trước chuyến đi New York dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của ông Tô Lâm.

Tác giả bình luận, hiện chưa rõ, liệu ông Tô Lâm từ bỏ vị trí Chủ tịch nước, có phải do áp lực hay không, và điều này có thể ảnh hưởng đến việc củng cố quyền lực trong nước của ông hay không.

Nhượng chức Chủ tịch nước cho phía quân đội, có thể là một cách thông minh, để ông Tô Lâm làm hài lòng thể chế đầy quyền lực này. Nhưng cũng có thể, ông đã có trong đầu một ứng cử viên của riêng mình, để duy trì quyền lực.

Các yếu tố tác động và các mối quan hệ phức tạp, liên quan đến việc nắm giữ quyền lực của ông sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi Quốc hội đưa ra quyết định vào tháng 10.

 

Hoàng Anh – thoibao.de