Chính sách quốc phòng “4 không” có còn hợp thời?

Ngày 20/9, Luật sư, Facebooker Đặng Đình Mạnh bình luận trên trang cá nhân của mình, “Chính sách quốc phòng “4 không” có lợi gì cho Việt Nam?”.

Tác giả đề cập đến việc Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, vừa phó hội với đồng cấp Lloyd Austin tại Ngũ Giác Đài, trong chuyến công du Hoa Kỳ, ngày 13/9. Sau đó, ông lại dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Hương Sơn, được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tác giả dẫn phát biểu của ông Phan Văn Giang, tại Diễn đàn Hương Sơn, tái khẳng định chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam, và cho rằng, đó là chủ trương bảo đảm sự chân thành, để phát triển quan hệ với các nước.

Tác giả trích dẫn Sách Trắng Quốc Phòng, được chính quyền Việt Nam công bố vào năm 2019, theo đó, chính sách quốc phòng “4 không” gồm:

  1. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác;
  2. Không tham gia liên minh quân sự;
  3. Không liên kết với nước này để chống nước kia; và
  4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trong quan hệ quốc tế.

Tác giả nhấn mạnh, do từng được nhắc lại nhiều lần, khiến nhiều người nhầm tưởng, chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam là một chính sách nhất quán từ trước cho đến nay. Điều này không đúng sự thật. Vì lẽ, trong quá khứ, chế độ Cộng sản Việt Nam đã từng cho nước ngoài lập căn cứ quân sự, kể cả liên kết quân sự hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tác giả cho biết, chính sách quốc phòng “3 không” hoặc “4 không” từng hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích, phê phán, từ trong nước. Thực hiện chính sách này chẳng khác nào một sự tự cô lập quốc gia, về phương diện quốc phòng.

Tác giả nhận xét, việc chế độ Cộng sản Việt Nam thường xuyên khẳng định chính sách quốc phòng “4 không”, để làm yên lòng những cái đầu bá quyền, đầy tham vọng lãnh thổ, của Trung Quốc.

Theo tác giả, đó cũng là lý do khiến Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn, trong những hành xử lấn lướt, xem thường của họ, như: bồi đắp, xây dựng, thiết lập cơ sở quân sự, hành chính, du lịch… trên các đảo xâm chiếm của Việt Nam; thường xuyên đưa các tàu thăm dò địa chất, dầu khí, do thám tiến vào sát bờ biển Việt Nam; sử dụng máy bay do thám, tàu hải cảnh xâm phạm vào vùng trời, lãnh hải Việt Nam; tấn công, tịch thu hải sản, ngư cụ, kể cả đâm va vào thuyền của ngư dân Việt Nam…

Đổi lại, chế độ Cộng sản Việt Nam luôn giữ sự nín lặng, chịu đựng và phát cờ đỏ cho ngư dân.

Tác giả cho rằng, với chính sách quốc phòng “4 không”, Việt Nam cũng cắt đứt luôn khả năng liên kết, liên minh quân sự với các quốc gia phương Tây, hoặc với Hoa Kỳ.

Vì lẽ, lúc này, nhờ vị thế địa chính trị, Việt Nam mới trở thành con bài quan trọng đối với Hoa Kỳ và phương Tây, trong sách lược bao vây Trung Quốc. Nếu một mai, khi họ thay đổi sách lược quốc phòng, thì Việt Nam chỉ là con số không tròn trĩnh, khi không chia sẻ các giá trị văn minh, như tự do, dân chủ và nhân quyền.

Bên cạnh đó, vẫn theo tác giả, bản thân việc liên kết, liên minh quân sự với các quốc gia phương Tây hoặc với Hoa Kỳ, mới là một sự bảo đảm, để ngăn ngừa các hành vi quá khích của Trung Quốc.

Tác giả nêu lên ví dụ về Đài Loan. Cho dù Trung Quốc thường xuyên hăm he “thu hồi” Đài Loan về với “mẫu quốc”, nhưng, với hỗ trợ quân sự và cam kết của Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn phải chùn tay. Điều này giúp cho Đài Loan vẫn giữ được sự độc lập.

Tác giả kết luận, duy trì một chính sách quốc phòng không hề có lợi ích gì cho Việt Nam, nhưng lại rất có lợi ích cho Trung Quốc. Rõ ràng, đó là một chính sách quốc phòng phản động, không hơn, không kém.

 

Minh Vũ – thoibao.de