Canh bạc lớn nhất của Tô Lâm, xin được thiên triều bảo hộ để chiến với “đồng chí”!

Tô Lâm tạo phản và thành công thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Nhân sự do ông Trọng đưa lên sẽ bị Tô Lâm tìm cách thay thế. Nhưng chắc chắn, công thức thành công của ông Trọng, thì Tô Lâm vẫn giữ, cũng như, ông giữ lại cái “lò”, để tiếp tục thanh trừng những phe phái khác. Tô Lâm quyết tâm nắm chắc Bộ Công an và tìm cách kiểm soát Bộ Quốc phòng. Và điều quan trọng nhất là, ông cần phải “cầu xin” cho được sự bảo hộ của Tập Cận Bình.

Tô Lâm là người tính toán xa. Từ tháng 9/2023, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên máy bay về nước, sau chuyến thăm Hà Nội, thì Tô Lâm nhanh nhảu lên máy bay sang Bắc Kinh, để “báo cáo” kết quả. Đây được xem là chuyến đi ngoại giao tiền trạm, dọn đường cho những chuyến thăm lần sau, trên cương vị khác.

Không rõ, trong chuyến thăm trên, Tô Lâm đã được “chuẩn thuận” từ “thiên triều” như thế nào. Chỉ biết, sau khi từ Bắc Kinh trở về, Tô Lâm đã thực hiện liên tục những trận đánh lớn, và thắng như chẻ tre.

Khi bị tấn công, Vương Đình Huệ cũng sang thiên triều “cầu cứu”, nhưng vẫn không thoát, điều này có thể cho thấy phần nào mặt trái bức tranh chính trị Việt Nam. Rất có thể, Tập Cận Bình đã chọn Tô Lâm mà bỏ rơi Vương Đình Huệ.

Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị đất nước, và họ biến toàn dân thành mù lòa. Khi báo chí nhà nước không hề có thông báo gì về chuyến thăm đến Bắc Kinh của ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm, thì báo chí nước ngoài đã biết.

Báo chí nước ngoài loan tin từ mấy ngày trước rằng, ngày 18/8 sắp tới, ông Tô Lâm sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức sang Trung Quốc. Điều này, đến nay đã được truyền thông trong nước xác nhận.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông, trên cương vị Tổng Bí thư.

Đảng Cộng sản Việt Nam hay có cái gọi là “báo công lên Bác”, khi họ đạt được một thành tựu gì đó. Có lẽ, chuyến đi của ông Tô Lâm sắp tới, sẽ là chuyến đi “báo công” với thiên triều chăng?

Bao thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam luôn tỏ ra “ngoan hiền” trước Bắc Kinh, mục đích là mua lấy sự đảm bảo quyền lợi chính trị cho Đảng, và cho các cá nhân lãnh đạo của Đảng. Đáng buồn là, các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện thứ “nhiệm vụ” thiếu tính độc lập tự chủ này, khiến Việt Nam luôn bị Bắc Kinh gây hấn và lấn lướt, hết lần này đến lần khác.

Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, sẽ không có sự cứng rắn nào trước Bắc Kinh, mà vẫn “kế thừa” sự thuần phục từ bao thế hệ lãnh đạo trước đây. Có được sự bảo trợ của Bắc Kinh, thì lãnh đạo Việt Nam mới có thể an tâm đánh lẫn nhau trong nội bộ Đảng, để tranh giành và củng cố quyền lực cá nhân. Đấy là cách mà các thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hy sinh quyền lợi quốc gia, để củng cố địa vị trong nước.

Những cái chết như của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang và Lê Văn Thành, đều có điểm chung là bị bệnh sau chuyến đi Trung Quốc trở về. Trên chính trường, nếu Tô Lâm không bị như những nhân vật kia, mà ngược lại, nếu được Bắc Kinh tận tình cứu chữa khi mắc bệnh, để kéo dài tuổi thọ, hưởng trọn quyền lực, như Nguyễn Phú Trọng đã từng, thì đấy là dấu hiệu cho thấy sự lựa chọn của Tô Lâm.

Mà xét cho cùng, trước thiên triều, Tô Lâm khó có thể có lựa chọn nào khác.

Hầu hết lãnh đạo cấp cao trong Đảng đều xem việc “thuần phục thiên triều”, vừa để đảm bảo ưu thế chính trị, vừa đảm bảo an toàn tính mạng. Đấy chính là bi kịch cho đất nước. Bởi bất chấp những thiệt thòi trước sự đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh, hầu hết lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều chọn cách “nhún nhường”, để bản thân được an toàn.

Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư thì cũng chẳng có sự mới mẻ nào trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Thuần phục để có chỗ dựa, và đó là cách mà Tô Lâm có thể tạo ra thế bất khả xâm phạm trên vũ đài chính trị.

 

Thái Hà – Thoibao.de