Sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, giới phân tích đánh giá, ông Tô Lâm là “một nguyên thủ quốc gia có thực quyền đầu tiên của Việt Nam, tính từ nửa thế kỷ trở lại đây”.
Phải chăng, do cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã vận động và thực hiện thành công một cuộc “đảo chính mềm” trong nội bộ Đảng, để trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối. Dù Tô Lâm từng là cánh tay đắc lực của Tổng Trọng trong công cuộc “đốt lò”, nhưng trong danh sách kế nhiệm chức Tổng Bí thư, không có tên Tô Lâm.
Nguyên nhân vì nhãn quan chính trị của ông Tô Lâm khác hẳn với ông Trọng. Tô Lâm được đánh giá là một người thực dụng, mưu lược hơn người, và không tin vào học thuyết Cộng sản – thứ mà nhân loại đã vứt vào sọt rác của lịch sử.
Sau khi trở thành Tổng Bí thư, nhiều ý kiến tin rằng, Tô Tổng sẽ có các cải cách chính trị, thậm chí có thể phá bỏ mô hình cũ, để thay đổi mô hình chính trị mang bản sắc riêng của Tô Lâm.
Trong bài viết đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, với mục đích đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… đồng thời cam kết, quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh.
Sau khi trở thành Tổng Bí thư, Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng từ nhiều quốc gia. Đáng chú ý, ngày 8/8, Tô Tổng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Theo đó, ông Putin bày tỏ vui mừng, mong muốn đón tiếp ông Tô Lâm sang thăm Liên bang Nga.
Từ sự kiện trên, có ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm sẽ đưa Việt Nam đi theo mô hình độc tài của Tổng thống Nga Putin. Trong khi đó, các nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm rất quan tâm tới mô hình nhất thể hóa của Trung Quốc – mô hình đã được ông Tập Cận Bình áp dụng từ 2013 đến nay.
Tuy nhiên, khác với Việt Nam – nơi Đảng Cộng sản độc chiếm vũ đài chính trị. Ở Trung Quốc có đến 8 đảng khác nhau, được gọi là “đảng phái dân chủ”. Nhưng thực chất, các đảng phái này đều là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thống nhất “suy tôn” Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo đất nước. Đồng thời, quyền lực độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, có lẽ, ông Tô Lâm không mấy cảm tình với 2 chữ dân chủ, dù chỉ là hình thức như đã thấy lâu nay.
Mô hình chính trị Trung Quốc dưới thời ông Tập là xây dựng quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa, và Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đất nước. Trong khi, mô hình chính trị của nước Nga, dưới sự cai trị của Tổng thống Putin, trên danh nghĩa là “nhà nước pháp quyền dân chủ”, trong một hệ thống chính trị đa đảng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Putin đã bóp nghẹt dân chủ và tiêu diệt đối lập. Do đó, chính trị Nga tùy thuộc vào tình hình an ninh quốc gia, và ý chí số đông của người dân Nga trong các cuộc bầu cử.
Công luận tin rằng, Tô Tổng sẽ không duy trì tính “đức trị” như Tổng Trọng, mà bước đầu sẽ xây dựng một nhà nước “pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”, với sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản. Đồng thời, hệ thống an ninh sẽ kiểm soát chặt chẽ xã hội như nước Nga hiện nay. Đây là một vấn đề mà ông Tô Lâm đã nắm chắc trong tay, với một hệ thống công an được thiết lập hoàn chỉnh.
Theo giới phân tích, nếu Tô Tổng muốn “cải cách thể chế” chính trị, muốn tháo gỡ những vướng mắc do thể chế chính trị hiện nay gây ra, thì phải luật hóa hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp – “quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về nhân dân”, thì Điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản là vi hiến. Như vậy, Tô Tổng chỉ cần loại bỏ Điều 4, và ra luật hoạt động của đảng, lập tức, nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm sẽ đi theo mô hình của nước Nga hiện nay.
Trà My – Thoibao.de