Ngày 18/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Bộ Chính trị “phá lệ” thông báo tình hình sức khoẻ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Theo đó, trưa 18/7, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan thông báo của Bộ Chính trị, về tình hình sức khỏe của Tổng Trọng. Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ chính trị phân công chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.
Cũng ngày 18/7, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công bố quyết định và trao Huân chương Sao Vàng tới ông Nguyễn Phú Trọng. Lễ trao tặng Huân chương diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng không có hình ảnh nào được truyền thông đăng kèm.
RFA nhắc lại Quyết định số 440/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 22/5; và Quyết định số 1295/QĐ-TTg, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký năm 2020, theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, của các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, thuộc danh mục bí mật nhà nước, độ tối mật.
RFA dẫn nhận định của một bác sĩ ở Hà Nội, từng chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo cao cấp, nói rằng:
“Khi mà họ phải phá lệ, thông báo ra, tức là nó có chuyện rồi. Người ta thông báo thế để dân khỏi thấy bất ngờ, chứ thật ra dân biết cả rồi. Trước đây có 2 vị lãnh đạo chết lúc còn đương chức, là ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn. Bây giờ ông Trọng có thể là người thứ 3.
Sở dĩ tôi nói vậy, vì Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe ông Trọng cùng lúc với tin trao Huân chương Sao Vàng cho ông tại bệnh viện. Thường Huân chương này hầu như được trao lúc sắp chết, hoặc đã chết, vì nó là Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam mà. Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận Huân chương Sao Vàng khi đã mất rồi.”
Vị bác sĩ này nói thêm, ông Trọng là lãnh đạo cao cấp thứ 2 được Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe, ông Hồ Chí Minh là trường hợp thứ nhất. Ông kể:
“Tôi nhớ, cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1969, chính tôi nghe đài Hà Nội thông báo cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết, tình hình sức khỏe Hồ Chủ tịch không tốt, và các bác sĩ đang cố gắng chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch, thì chỉ vài ngày sau ông ấy chết.”
RFA cho biết, tình hình sức khỏe của ông Trọng bị cho là yếu đi, từ sau lần đột quỵ ở Kiên Giang, vào giữa tháng 4/2019, dù báo chí nhà nước hoàn toàn im lặng. Sau sự kiện đó, ông Trọng nhiều lần vắng mặt tại một số buổi tiếp đón các nguyên thủ quốc tế. Đặc biệt, trong tháng 1/2024, ông Trọng không xuất hiện để đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong những chuyến thăm tới Việt Nam của 2 vị lãnh đạo này. Đến sáng 15/1, ông Trọng mới xuất hiện tại lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội, với tư cách “khách mời và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
RFA nhắc lại, một hãng tin quốc tế lúc đó dẫn các nguồn tin giấu tên, cho biết, ông Trọng phải nhập viện. Nhưng báo chí nhà nước vẫn im lặng.
Với lần công bố này, RFA dẫn nhận định của nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn, cho rằng:
“Công luận trong và ngoài nước đều quan sát, và biết tình hình sức khỏe ông Trọng rất yếu, đã đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời rồi, cho nên không cần phải bí mật nữa. Ngoài ra, báo nhà nước đưa tin trao Huân chương Sao Vàng cho ông Trọng, cũng cho thấy, họ đang dọn đường cho biến cố lớn. Một là ông Trọng sẽ ra đi theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử; hai là không cưỡng được việc phải trao chức Tổng Bí thư cho người kế vị là ông Tô Lâm. Hiện nay, quyền lực và ảnh hưởng của ông Tô Lâm rất mạnh, mà Thường trực Ban Bí thư Lương Cường không thể vượt qua được.”
Xuân Hưng – thoibao.de