Tổng Trọng cầm quyền từ năm 2011, đến nay đã gần 13 năm. Kể từ sau Đại hội 12 (năm 2016), với sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, Tổng Trọng trở thành một lãnh đạo có quyền lực bao trùm trong Đảng.
Theo giới quan sát, từ sau Đại hội Đảng 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ là “cái bóng” của Tổng Bí thư. Để đạt được kết quả như vậy, không thể không kể tới sự đóng góp đáng kể của Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm, trong thời gian 8 năm, kể từ sau Đại hội 12 đến nay.
Trong một thời gian dài, ông Tô Lâm đã được Tổng Trọng hết sức trọng dụng. Đồng thời ông Trọng cũng sử dụng vai trò điều tra, khởi tố… của Bộ Công an, trong công cuộc “đốt lò”.
Tổng Trọng đã sử dụng Tô Lâm như một cung cụ, để loại bỏ bất cứ cá nhân nhân nào không ủng hộ, hay tỏ ra chống đối cá nhân ông Tổng. Mà thực chất, đó chỉ là phương tiện để thanh trừng phe phái.
Nhưng kết quả của công cuộc “đốt lò” của ông Trọng đã không đạt được kết quả như công luận kỳ vọng. Công cuộc chống tham nhũng sau gần 8 năm, kể từ sau Đại hội 12, kết quả cho thấy, càng chống thì tham nhũng càng gia tăng, như nấm mọc sau mưa.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, với một danh sách gồm 7 uỷ viên Bộ Chính trị bị cho thôi chức hoặc miễn nhiệm, trong đó có nhiều ứng viên tiềm năng cho Danh sách Nhân sự chủ chốt của Đại hội 14.
Hơn thế nữa, một tình trạng kéo bè, kết cánh trong nội bộ Đảng, là chủ trương có thật. Đây là điều vô tiền khoáng hậu, trong lịch sử 80 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai phe Nghệ An và Hà Tĩnh, vốn là bệ đỡ, đồng thời là lực lượng ủng hộ tuyệt đối cho Tổng Trọng, được ưu ái quá lớn trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo, với số lượng uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị chiếm tỷ lệ quá lớn.
Đó là, chưa kể đến tình trạng những chiếc ghế bộ trưởng trong Chính phủ, hay trưởng các ban quan trọng của Đảng, cũng được giao trọn cho phe này nắm giữ và quản lý… Song ngược lại, các lãnh đạo phe Nghệ Tĩnh vi phạm kỷ luật, dính dáng đến tham nhũng… thì lại không bị xử lý, hay xử lý rất qua loa, chiếu lệ, khiến công luận bất bình.
Do vậy, dẫu biết rằng, việc ông Tô Lâm tiến hành cái gọi là “tạo phản” trong nội bộ Đảng, để thiết lập một chế độ “công an trị” sắt máu hơn, nhưng một bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn hy vọng, và coi đây là hành động cần thiết, để tạo ra những bước chuyển động mới, giúp chính trị Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và bế tắc.
Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm Lào và Campuchia của Tô Chủ tịch, việc Bộ Công an cho khởi tố, bắt tạm giam Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo Điều 358, Bộ luật Hình sự, đã cho thấy, Tô Lâm vẫn tiếp tục chủ trương triệt hạ những tiếng nói đối lập, phản biện, dám thách thức các nhóm lợi ích của Đảng, cả trong và ngoài Quốc hội.
Ngược lại, giới quan sát bất ngờ với việc, Tô Chủ tịch chịu bỏ thời gian quý giá, để show diễn, trong việc đích thân lái xe đưa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, dạo một vòng trước toà nhà Quốc hội tại thủ đô Vientiane. Hành động này nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe ô tô điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, rõ ràng, ngài Chủ tịch nước không quên “nhóm lợi ích” của mình.
Truyền thông nhà nước hôm 13/7 cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định chấp thuận chủ trương, đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh, kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn tất trước cuối quý IV/2030, và có thời hạn hoạt động 70 năm. Vinhomes có tỷ lệ sở hữu 69,34% trong tổng vốn 13.200 tỷ đồng của dự án này.
Được biết, tại Vũng Áng, VinGroup đã kết hợp với Trung Quốc, xây dựng một nhà máy pin xe điện, với diện tích gần 13 ha, vào cuối năm 2021, và bắt đầu cung cấp những sản phẩm đầu tiên cho mẫu xe điện VF 6 từ giữa năm 2023. Ngoài ra, VinGroup cũng muốn đầu tư vào dự án cảng biển, logistics, với vốn 40.00 tỷ đồng, và khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tại Vũng Áng.
Những điều vừa kể để thấy, mục đích cao nhất của Chủ tịch nước Tô Lâm và nhóm lợi ích của Bộ Công an, cũng chỉ là miếng bánh mà họ giành được từ phe Nghệ Tĩnh mà thôi./.
Trà My – Thoibao.de