Việt Nam nhận tài trợ để chuyển đổi năng lượng xanh, nhưng lại xây nhà máy điện than

Ngày 2/7, BBC Tiếng Việt có bài “Việt Nam nhận 15 tỷ để giảm điện than nhưng xây thêm nhà máy: Mỹ “sẽ giám sát chặt”’.

BBC cho biết, Nhà máy điện Sông Hậu 2 công suất 2,1 GW, hiện đang được triển khai xây dựng, đã ký kết thỏa thuận kết nối lưới điện quốc gia và khoản vay gần 1 tỷ USD.

Nhà máy này do Tập đoàn Toyo Ventures Holding Berhad của Malaysia làm chủ đầu tư.

BBC dẫn lời bà Lucy Hummer, từ Tổ chức Global Energy Mornit nói rằng, việc chính thức triển khai xây dựng nhà máy Sông Hậu 2 “gây thất vọng và đáng lo ngại”; vì đe dọa kế hoạch giảm công suất điện than mà Việt Nam đã thiết lập trước đây; và việc này cho thấy, Việt Nam đi ngược lại xu hướng từ bỏ than trên toàn cầu.

BBC nhắc lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết, Việt Nam sẽ giảm một nửa công suất nhà máy than vào năm 2035, và loại bỏ dần điện than vào năm 2044, để đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050, tại Thượng đỉnh khpí hậu (COP26) ở Scotland năm 2021.

“Các thỏa thuận tài chính của các đối tác Malaysia sẽ đặt Việt Nam vào thế bị soi xét kỹ lưỡng, do các lo ngại về chính trị, kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng” – bà Hummer nhận định.

Theo BBC, Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào vào bậc nhất trong khu vực.

Nguy hiểm hơn, công suất điện than mà nhà máy Sông Hậu 2 mang lại, sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm giới hạn 6 GW công suất điện than mới, theo gói tài trợ quốc tế trị giá 15 tỷ USD của thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP.

Đáng chú ý là, BBC cũng cho biết, Việt Nam hiện có 5 dự án điện than chưa được tài trợ, có công suất dự kiến vượt quá 6 GW, bao gồm Long Phú 1, Na Dương 2, Quảng Trạch 1, Vũng Áng 2 và Sông Hậu 2.

Năm nhà máy này đã được gia hạn đến tháng 6/2024, để quyết định hoặc tiếp tục triển khai hoặc hủy bỏ.

BBC dẫn tin từ một trang tin quốc tế cho biết, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, họ và các đối tác quốc tế khác tiếp tục khuyến khích Việt Nam theo đuổi các mục tiêu nêu ra trong JETP, để triển khai năng lượng tái tạo và chuyển đổi khỏi năng lượng than.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về khả năng xây dựng và vận hành thêm nhà máy than, điều này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực nói trên.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện những cải cách cần thiết, loại bỏ dần việc sản xuất điện đốt than, tăng cường năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện, đồng thời huy động nguồn tài chính đã cam kết để đạt được những mục tiêu này.”

BBC dẫn lời ông Jake Schmidt – Giám đốc chiến lược cấp cao về khí hậu quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết: “Không phải là một dấu hiệu tốt nếu một quốc gia như Việt Nam tiếp tục đầu tư vào than”.

BBC nhắc lại, cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Các nước tài trợ gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

Tuy nhiên, vẫn theo BBC, còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam đã cho bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường hàng đầu – những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này. Đó là, bà Nguỵ Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng và Bà Ngô Thị Tố Nhiên.

BBC dẫn nhận định của Tiến sĩ Jörg Wischermann, từ Viện GIGA nghiên cứu về châu Á, đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung (Đức) hôm 10/3, cho rằng, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (NGO), đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy, “sự tương phản sâu sắc” với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế ‘tham vấn.

 

Xuân Hưng – thoibao.de