Tại Nga, Putin cho phá bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ, để dọn đường cho ông ta ngồi ghế Tổng thống suốt đời. Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng cho xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ, để ông ta thỏa mãn tham vọng quyền lực đến hết đời. Tại Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng không xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ trong Đảng luật, mà ông ta ma mãnh hơn, bịa ra cái gọi là “suất đặt biệt” để ông ta hưởng lợi, ngồi nhiệm kỳ thứ 3. Trên danh nghĩa, Tổng Trọng không phá bỏ Đảng luật, ông chỉ “bổ sung” vào Đảng luật mà thôi. Hành động của ông Tổng Bí thư, gọi cho đúng là “ma mãnh”.
Khi dọn đường cho bản thân nắm quyền trọn đời, mỗi lãnh đạo độc tài có cách làm riêng. Tuy nhiên, công thức chung thì không khác mấy – đấy là, gây ấn tượng tốt với các cấp chính quyền và người dân. Sau khi có được sự tin tưởng của xã hội, thì họ mới tiến hành thực hiện âm mưu.
Với Putin, ông ta lợi dụng được thời kỳ giá dầu thế giới tăng cao, để đạt được thành quả về phát triển kinh tế, lấy lòng dân chúng. Nhờ đó, Putin củng cố bộ sậu quanh ông, rồi tiến hành xé bỏ những quy định của pháp luật, để dọn đường cho tham vọng quyền lực của ông ta.
Với Tập Cận Bình, ông dùng chiêu bài chống tham nhũng với tên gọi là “đả hổ diệt ruồi”. Chiêu bài này như một mũi tên trúng 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là “dọn cỏ” những thành phần mà Tập cho rằng đang cản đường ông. Mục đích thứ hai là tạo ra sự tin tưởng trong xã hội Trung Quốc, và các cấp chính quyền. Sau thời gian thanh trừng gần hết các thế lực đối lập, Tập Cận Bình tự tay xóa bỏ những quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể cản đường tham vọng quyền lực của ông.
Có lẽ, ông Trọng là “học trò” của Tập Cận Bình, bởi cách làm của ông Trọng không khác Tập. Kết quả ban đầu cũng khá thành công, khi mà trong suốt nhiệm kỳ 2016 – 2021, và nửa đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Trọng không có đối thủ xứng tầm trên chính trường. Những thủ đoạn mà ông Trọng học được từ Tập Cận Bình, giờ đây, ông đã sử dụng hết, và để lại hậu quả to lớn cho đất nước. Sắp tới đây, sau khi ông chết, hậu quả ông để lại, 100 triệu dân phải còn gánh chịu trong thời gian dài.
Chính trị Việt Nam trước thời ông Nguyễn Phú Trọng ổn định hơn bây giờ rất nhiều. Chưa bao giờ, Bộ Chính trị lại rơi rụng nhiều như nhiệm kỳ này, đấy là dấu hiệu của sự rối loạn, là hậu quả từ những việc mà ông Trọng đã làm. Chính ông xé bỏ luật lệ, nên giờ đây, Bộ Chính trị chẳng còn trật tự nào cả.
Hậu Nguyễn Phú Trọng sẽ là những trận chiến sinh tử bất tận giữa các phe phái. Như vậy, lấy đâu ra nhân lực và trí lực để hoạch định chính sách phát triển đất nước. Khi chiếc ghế bấp bênh, thì ai cũng lo giữ ghế, chẳng ai còn tâm trí để giữ ổn định xã hội nữa.
Việc chạy đua cho Đại hội 14 đã bắt đầu từ khi kết thúc Đại hội 13. Sau Đại hội 13, có kẻ đạt được tham vọng, có kẻ không. Kẻ đạt được tham vọng thì lại vạch ra tham vọng lớn hơn cho nhiệm kỳ sau, kẻ chưa đạt thì cố để đạt. Từ đó, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị lại bắt đầu những cuộc đua mới.
Ở tầng dưới thì chạy đua bằng cách hối lộ, chạy chức, chạy quyền, để được cất nhắc. Ở tầng trên thì chiến đấu từng giây phút, từng vụ việc để tranh đoạt. Hình thức truyền ngôi theo dạng “cơ cấu” đã không còn hợp thời nữa.
Từ khi Tổng Trọng thể hiện cho toàn Đảng của ông thấy, có thể đạt được thành quả bằng cách đấu đá tranh giành, thì những người tiếp nối ông cũng theo lối mòn này mà đoạt lấy quyền lực. Chính vì thế, dự định “cơ cấu” cho Vương Đình Huệ nối ngôi của ông Tổng đã phá sản hoàn toàn.
Hậu Nguyễn Phú Trọng, thượng tầng chính trị Việt Nam sẽ là một mớ hỗn độn.
Trần Chương – Thoibao.de