Sẽ không có cách mạng lớn, nhưng chính sách của Việt Nam đang thay đổi

Ngày 25/6, RFA Tiếng Việt bình luận “Đón Putin: Việt Nam có đang thay đổi chính sách không?”

Theo đó, trong 3 tuần qua, Việt Nam thực hiện 3 động thái liên tiếp về mặt đối ngoại: cử Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự khối BRICKS ở Nga ngày 11/6; không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hoà bình cho Ukraine, từ ngày 15 đến 16/6 tại Thụy Sỹ; và sau đó đón Tổng thống Nga Putin từ ngày 19 đến 20/6.

RFA nêu câu hỏi của giới quan sát, rằng, những điều đó có phản ánh một định hướng chính sách mới nào của Việt Nam không?

RFA dẫn lý giải của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho rằng, đối với Việt Nam thì cuộc chiến Ukraine trở thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga. Việt Nam không muốn bị lôi kéo vào xung đột này. Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sỹ, trong con mắt của Việt Nam, dường như có mục đích chỉ trích Nga nhiều hơn. Đối với khối BRICKS, theo ông Hoàng Việt, Việt Nam đã xem xét gia nhập khối này từ năm ngoái, với quan điểm không loại trừ khối nào, miễn là có lợi.

Ông Việt nói:

“Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ, nhưng không có nghĩa là Việt Nam chiều theo Mỹ. Tương tự, Việt Nam thân với Nga và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng không phải cái gì Việt Nam cũng nghe theo Nga và Trung Quốc.”

RFA dẫn quan điểm của Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ottawa, cho rằng, có hai vấn đề cần chú ý. Một là, có hay không Việt Nam thay đổi chính sách đối ngoại; hai là, đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng, với thế giới tự do nói chung.

Luật sư Khanh cho rằng, cần đặt những sự kiện này trong bối cảnh chính trường Việt Nam biến động rất mạnh. Ai hay bên nào đang chiếm thế thượng phong và chi phối chính sách đất nước, lúc này và những năm sắp tới.

Ông Khanh phân tích:

“Chúng ta vẫn phải dò đường, quan sát từng động thái một. Nhất là chúng ta cần quan sát nhóm ông Tô Lâm, là nhóm mà các nhà quan sát đều cho là đang lên.”

“Ông Tô Lâm là một một nhân vật xuất thân an ninh, tức là nắm tình báo, và sự an nguy của chế độ đó. Người làm về an ninh thì thường có những quyền biến mà chúng ta không thể đoán trước được.”

Luật sư Khanh cho rằng, sẽ không có một cuộc cách mạng quá lớn, nhưng chính sách của Việt Nam vẫn đang trên bước đường thay đổi, mà các nhà quan sát vẫn chưa thể biết được sự thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào.

Theo ông Khanh, không phải “Việt Nam ngả hẳn vào trục Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh vì 3 sự kiện nói trên”, và “Hà Nội dường như có một sự đánh cược rất lớn vào động thái” mời và tiếp đón Putin, vì Hoa Kỳ đã phản ứng rất rõ ràng. Cũng có thể, Hà Nội muốn gửi một thông điệp nào đó cho Tòa Bạch Ốc, thông qua chuyến đi này của ông Putin?

Vẫn theo Luật sư Khanh, trọng tâm chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin, tựu trung vào 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là hợp tác quân sự – an ninh quốc phòng. Ở lĩnh vực này, Việt Nam muốn Nga hợp tác chuyển giao một số công nghệ chế tạo vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam không chỉ muốn mua vũ khí mà muốn tự chủ hơn về năng lực sản xuất vũ khí.

Hai là về chính trị và ngoại giao, Việt Nam giúp Nga tạo thế thoát khỏi sự bao vây cô lập của Mỹ và phương Tây do cuộc chiến Nga – Ukraine, đồng thời Nga cũng dự kiến tạo dựng lại chỗ đứng của mình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngược lại, Việt Nam cũng muốn dùng Nga để cân bằng với Trung Quốc, Mỹ và phương Tây.

Cuối cùng, về kinh tế và thương mại, Việt Nam có thể muốn Nga hỗ trợ để tham gia khối BRICS, đồng thời cũng để tăng tỷ trọng thâm nhập thị trường của Nga. Và Nga cũng muốn tăng cường giao thương với Việt Nam do đang bị Mỹ và phương Tây bao vây kinh tế.

 

Ý Nhi – thoibao.de