Vì sao hệ thống quyền lực của Tổng Bí thư coi trọng bằng cấp giả?

Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt các thông tin và sự kiện, được đánh giá là gây “khủng hoảng” truyền thông.

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV ngày 26/6 đưa tin, với tiêu đề “Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho phóng viên, biên tập viên”. Bản tin cho biết, sáng ngày 26/6 tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, tổ chức Hội nghị trực tuyến, bồi dưỡng kiến thức cho 1.720 lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các báo đài, với chuyên đề: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho hay, kỷ nguyên hỗn loạn thông tin đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của công chúng.  Theo đó, “thông tin trên các nền tảng số hiện đại có thể tạo ra các hiện tượng mạng gây “sốt”, tạo “bão” trong dư luận xã hội”.

Giới quan sát đánh giá, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm có lẽ đang muốn ám chỉ đến các thông tin về những sự kiện nổi bật gần đây, như việc bộ hành của sư Thích Minh Tuệ, hay việc sư Thích Chân Quang bị cấm phát ngôn, đang gây ra khủng hoảng truyền thông, cũng như làm mất trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh chính trị.

Đáng chú ý, việc Hòa thượng Thích Chân Quang sở hữu một bằng Tiến sĩ “cấp tốc”, hoàn toàn trái với các quy định của Bộ Giáo Dục Đào tạo, đã gây bão mạnh mẽ, đến mức, Bộ này phải gửi một công văn “hỏa tốc”, yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội phải giải trình chi tiết.

Giới thạo tin đặt nghi vấn, tại sao, vụ việc Hòa thượng Thích Chân Quang sở hữu một bằng Tiến sĩ “dỏm” – nhiều khả năng được mua bằng tiền, chứ không phải là kết quả học tập và nghiên cứu sinh thật sự, lại bùng lên vào lúc này? Trong khi, có đến 90% quan chức lãnh đạo Việt Nam sở hữu đủ các loại bằng cấp, học hàm, học vị “hoành tráng”, nhưng kiến thức thì trống rỗng.

Liệu Chủ tịch Tô Lâm có quan tâm và tiến hành việc “tổng rà soát” các bằng cấp, học hàm, học vị của giới chức lãnh đạo Việt Nam hay không? Đây là một trong những sản phẩm của cơ chế “quyền – tiền” dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong suốt hơn 13 năm vừa qua.

Điều đó đã góp phần tàn phá đất nước, tạo nên một xã hội vô pháp, vô luân, kỷ cương phép nước không được coi trọng. Tạo nên sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội, như chúng ta đã thấy.

Trong khi, giới thạo tin có những ý kiến cho hay, việc Chủ tịch Tô Lâm và Bộ Công an tiến hành “tảo thanh” phe Nghệ Tĩnh – một bệ đỡ quan trọng nhất của Tổng Trọng, không ngoài mục đích “đào tận gốc, trốc tận rễ” hệ thống quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, đã ăn sâu, bám rễ trên diện rộng, trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, việc lộ bằng cấp của sư Thích Chân Quang xảy ra trong bối cảnh, có những đồn đoán cho rằng: “2 nhân vật cộm cán của phe Nghệ Tĩnh là Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú, gần như chắc chắn sẽ ra đi. Và trước Hội nghị Trung ương 10 (tháng 10/2024) sẽ có thêm 2 uỷ viên Bộ Chính trị tiếp tục bị bắn rụng”.

Đa số các ý kiến cho rằng, chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đã thất bại. Và ông Tô Lâm đã lạm dụng nó để đấu đá, tranh giành quyền lực, để phục vụ cho lợi ích của cá nhân và phe cánh. Tuy nhiên, vẫn theo giới phân tích, mục đích của ông Tô Lâm và Bộ Công an khi loại bỏ hàng loạt uỷ viên Bộ Chính trị như đã thấy, không chỉ để đưa người của mình vào thay thế, mà có thể còn nhắm vào mục tiêu khác.

Công luận cho rằng rằng, chống tham nhũng bằng biện pháp thiết lập lại kỷ cương phép nước, và dùng luật pháp để điều hành, là điều mà công chúng mong đợi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vấn đề quan trọng là, “cần phải bắt trúng căn bệnh gốc. Chứ không phải bắt một, hai, hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên Trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia”. Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Mà cốt lõi là chính bản chất của hệ thống chính trị này.

Ông Nguyễn Quang A khẳng định, “Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền. Điều hành nhà nước theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Ban Nội chính, Ban Bí thư, hay Đảng Cộng sản Việt Nam”.

 

Trà My – Thoibao.de