Ngày 20/6, BBC Tiếng Việt cho hay “Tổng thống Putin thăm Việt Nam: Châu Âu phản ứng khác Mỹ”.
Về phản ứng của Mỹ trước việc ông Putin đến Việt Nam, BBC dẫn người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, tuyên bố khá gay gắt:
“Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta, và nếu làm vậy, là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình.”
“Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.”
Trong khi đó, BBC cho biết, Ukraine và các nước trong Liên minh châu Âu không đề cập đến việc Hà Nội tiếp đón ông Putin, mà chỉ nhắc lại việc ông này đang bị Toà án Hình sự Quốc tế ICC truy nã, cũng như nhắc đến cuộc chiến tranh Ukraine, đã bước sang năm thứ 3.
BBC dẫn dòng thông điệp của Đại sứ Oleksandr Gaman, trên Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, đề cập đến những tội ác của Putin và việc “phải đưa những kẻ chịu trách nhiệm… ra trước công lý”.
Ngày 20/6, Đại sứ quán Ukraine nhắc lại “10 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga”, nhấn mạnh thời điểm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của quốc gia này, và những điều phi lý mà Ukraine phải gánh chịu trong 10 năm qua.
BBC cũng dẫn các thông điệp, được đăng tải đồng loạt lên Facebook của đại sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu EU, chỉ trích cuộc chiến tranh Ukraine và nhắc lại việc ông Putin đang bị ICC truy nã, liên quan đến tội ác chiến tranh.
Cụ thể:
Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 20/6 tuyên bố:
“Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những tội ác chiến tranh nghiêm trọng, đặc biệt là việc đưa hàng loạt trẻ em Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp. Chính vì lý do này, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt Putin.”
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tuyên bố:
“Pháp mong muốn trở lại nền hòa bình lâu dài, nhưng Pháp từ chối một trật tự thế giới dựa trên luật pháp của kẻ mạnh, và vi phạm các nguyên tắc cơ bản chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia.”
Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam nhấn mạnh:
“Trong hơn hai năm qua, người dân Ukraine đã tự bảo vệ mình bằng lòng can đảm và sự quyết tâm. Ba Lan đứng về phía họ.”
Đại sứ quán Ý tại Việt Nam viết trên Facebook:
“Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và nhất trí lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đây không chỉ là cuộc tấn công vào Ukraine mà còn nhằm vào trật tự quốc tế của chúng ta dựa trên luật lệ. Sự tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc phải được ưu tiên, cũng vì lợi ích hòa bình và ổn định ở các khu vực khác trên thế giới.”
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nêu tuyên bố:
“Ở Ukraine, các lực lượng Nga tiếp tục vũ khí hóa bạo lực tình dục – hãm hiếp tập thể, hãm hiếp bằng mũi súng và thiến chỉ là một vài ví dụ về những gì phụ nữ, đàn ông và trẻ em Ukraine hiện đang phải chịu đựng.”
BBC bình luận, cách phản ứng khác nhau giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội, cho thấy, dường như EU và cả Ukraine không muốn can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng vẫn lên án Nga và ông Putin gay gắt.
BBC dẫn nhận định của phóng viên Jonathan Head, về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội, cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì tình hữu nghị truyền thống với Putin; dù đang tìm kiếm các nguồn vũ khí thay thế, “nhưng chuyện chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sẽ phải mất nhiều năm”; và dù nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam đã phơi bày sự đối đầu, “nhưng vẫn chưa có ai đả động tới chuyện từ bỏ tham vọng làm bạn với tất cả các nước”.
BBC cũng dẫn đánh giá của Giáo sư Alexander L Vuving, rằng:
“Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022, và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga.”
Xuân Hưng – thoibao.de