Việt Nam giảm lệ thuộc vào vũ khí Nga để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ

Ngày 19/6, VOA Tiếng Việt cho hay “Việt Nam “đang giảm dần” lệ thuộc vào vũ khí Nga”.

VOA dẫn nhận xét của một nhà quan sát về thị trường vũ khí, nói rằng, Việt Nam đang tìm cách giảm dần sự lệ thuộc vào vũ khí Nga, để tránh bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, và Washington cũng đang khuyến khích Hà Nội từ bỏ vũ khí Nga.
Đồng thời, VOA nhắc đến chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới, kéo dài 2 ngày, của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, mà một trong những chủ đề được bàn thảo với các lãnh đạo Việt Nam sẽ là mua bán vũ khí.
VOA dẫn một hãng tin quốc tế cho hay, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam trong hàng chục năm. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội đang rất vất vả để thanh toán tiền mua vũ khí cho Nga, mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. VOA dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, được công bố hồi tháng 3, cho thấy, ngân sách mua sắm quốc phòng hàng năm của Việt Nam ước tính là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng trong năm 2023, Việt Nam không có đơn hàng lớn nào mới.

VOA cho biết, Hà Nội đã tổ chức triển lãm quốc phòng đầu tiên vào năm 2022, và công khai nói rằng, họ muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, để tránh bị lệ thuộc vào Nga. Triển lãm quốc phòng quốc tế lần hai sẽ được Việt Nam tổ chức vào cuối năm nay.
VOA dẫn giải thích của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp – chuyên gia về chính trị và an ninh, từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, rằng, năm 2023 “không phải vì Việt Nam không mua, mà là đã mua xong trước đó rồi”.
“Việt Nam không mua sắm vũ khí theo từng năm, mà là phân bổ một gói ngân sách cho 4 hay 5 năm, nên khi thấy có các gói mua sắm thích hợp thì mua luôn với khối lượng lớn.”
Tuy nhiên, ông cho rằng, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các nước mua sắm vũ khí Nga, “chắc chắn có ảnh hưởng” đến mua sắm quốc phòng của Việt Nam.
“Chính phủ Mỹ cũng rất thông cảm với Việt Nam vì hiện nay trên 80% vũ khí của Việt Nam vẫn là vũ khí Nga nên Mỹ vẫn để cho Việt Nam mua phụ tùng thay thế” – ông cho biết.
Theo Tiến sĩ Hợp, trong thời gian tới, Việt Nam “sẽ là đa dạng hóa nguồn cung vũ khí”, và sẽ tìm hiểu vũ khí của các nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…

Ông dẫn việc Việt Nam tổ chức các kỳ triển lãm quốc phòng quốc tế, để mời các nước phương Tây đưa vũ khí vào giới thiệu. Ông khẳng định, Mỹ khích lệ Việt Nam dùng vũ khí của họ.
Theo quan sát của ông thì vai trò của vũ khí Nga ở Việt Nam “đang giảm dần”. Ông Hợp cũng cho rằng, Việt Nam có thể tự sản xuất vũ khí, ví dụ như, Việt Nam có mua một nhà máy sản xuất tên lửa của Nga, và nhà máy đó hiện nay hoạt động rất tốt”.
Ông cũng cho biết, Việt Nam đã có vài nhà máy sản xuất drone [máy bay không người lái] để dùng trong nước. Nhưng những khí tài quan trọng thì Việt Nam bắt buộc phải mua chứ không có cách nào chuyển giao công nghệ.
Chuyên gia này bày tỏ lạc quan, cho rằng, việc chuyển đổi sang vũ khí các nước phương Tây, sẽ “không quá phức tạp”.
“Việc số hóa sẽ giúp huấn luyện lại các binh sỹ sử dụng vũ khí rất là nhanh. Nếu trước đây việc này phải mất vài năm, bây giờ có khi chỉ mất hai tháng” – ông nói.
Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Ukraine, Tiến sĩ Hợp cho rằng, Việt Nam cần xây dựng những đơn vị mới để phát triển drone, dùng làm vũ khí tấn công, hay để trinh sát, thu thập thông tin, gây nhiễu, tác chiến điện tử…
VOA dẫn lời các chuyên gia, nói với một hãng tin quốc tế rằng, nếu không mua sắm vũ khí mới, Việt Nam sẽ thiếu vũ khí hiện đại để tự vệ, trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở Biển Đông.
“Sự chênh lệch về sức mạnh quân sự quy ước sẽ ngày càng có lợi cho Trung Quốc, nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ” – Giáo sư Thayer nói.

Xuân Hưng – thoibao.de