Khi có quá nhiều lãnh đạo Hà Nội cầu cứu, Tập chọn ai?

Hồi tháng 4 vừa qua, ông Vương Đình Huệ đi Bắc Kinh “cầu cứu”, chuyến đi kéo dài đến 7 ngày, nhưng cuối cùng, khi trở về nước, ông Huệ vẫn bị đánh gãy ghế.

Như vậy, trong cuộc đấu, khi đã ở vào thế hết đường thoát, mới cầu cứu Bắc Kinh, thì cũng chẳng ăn thua.

Ngày xưa, Lê Chiêu Thống sợ bị nhà Tây Sơn phế truất, mới chạy sang phương Bắc cầu viện, và đã được đáp ứng, với 20 vạn quân Thanh kéo sang “cứu giúp”. Tuy nhiên, cũng trong tình cảnh tương tự, vì sao Tập Cận Bình lại không ra tay cứu Vương Đình Huệ?

Bối cảnh thời Lê Chiêu Thống khác với ngày nay. Lúc đó, nhà Tây Sơn quyết không thỏa hiệp với phương Bắc. Trong khi ngày nay, Tô Lâm đã thần phục Bắc Kinh từ lâu.

Trước khi tấn công Vương Đình Huệ, vào tháng 9/2023, Tô Lâm cũng đã có chuyến đi Bắc Kinh 5 ngày. Như vậy, Tô Lâm đã đi trước Vương Đình Huệ một bước.

Khi cả Tô Lâm và Vương Đình Huệ đều đến Bắc Kinh tìm kiếm sự hậu thuẫn, thì Tập Cận Bình có nhiều chọn lựa hơn. Cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu trong Đảng Cộng sản Việt Nam đều xin thần phục, thì Tập Cận Bình chọn ai?

Có lẽ, trong trường hợp này, Tập Cận Bình chỉ cần yên lặng quan sát và dành thời gian để lựa chọn kỹ lưỡng. Ông không cần phải chọn một kẻ yếu thế làm tay sai. Vì thế, trận đấu ở thượng tầng chính trị Việt Nam khó có được sự can thiệp trực tiếp từ Bắc Kinh. Kẻ mạnh là kẻ chiến thắng sau cùng, vậy nên, Tập Cận Bình chỉ cần chờ nội bộ Việt Nam tự thanh lọc, không cần thọc tay vào làm gì cả.

Hiện nay, Tô Lâm đang là thế lực mạnh nhất, nên khả năng cao, ông sẽ là người mà Bắc Kinh chọn. Tô Lâm đủ khả năng để ép Bộ Chính trị phải gật đầu theo ý ông ta, qua vụ đưa Lương Tam Quang lên ghế Bộ trưởng Bộ Công an, đây là điểm cộng rất lớn của Tô Lâm đối với Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh kiểm soát được Tô Lâm, thì họ có thể gián tiếp kiểm soát cả Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, việc Tô Lâm thành công ép Bộ Chính trị một lần, cũng chưa thể đảm bảo ông có thể thực hiện điều ấy một lần nữa.

Tại Hội nghị Trung ương 10 sắp tới, nếu Lương Tam Quang có thể vào được Bộ Chính trị, thì đấy là, lại một lần nữa, Tô Lâm thể hiện sức mạnh tuyệt đối của mình trong Bộ siêu quyền lực này.

Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn điều khiển Bộ Chính trị. Ông dùng ảnh hưởng của bản thân, để khiến cho hơn phân nửa Bộ Chính trị đồng thuận, đưa ra các quyết sách theo ý ông. Giờ đây, Tô Lâm không dùng ảnh hưởng, mà dùng những công cụ chế tài, để cưỡng bức 15/16 uỷ viên Bộ Chính trị phải phục tùng. Đấy lại là điểm cộng rất lớn cho ông trước Bắc Kinh. Khi Bắc kinh triển khai các chính sách lớn, họ rất cần người có khả năng cưỡng bức cả Bộ Chính trị như thế.

Giờ đây, bất kỳ kẻ nào khác muốn được Bắc Kinh trọng dụng, thì trước hết, phải thể hiện được sức mạnh trước Tô Lâm, phải cho thấy bản thân mạnh hơn Tô Lâm. Cho đến nay, vẫn chưa có ai đủ sức mạnh để cạnh tranh với cựu Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, cuộc đấu vẫn còn 19 tháng nữa, và chính trường Việt Nam vẫn đang ẩn dấu những biến cố bất ngờ. Có thể, không cần đấu trực diện, bởi ở phương diện này khó ai qua mặt Tô Lâm, nhưng đánh lén, đâm sau lưng, thì có thể vẫn còn rất nhiều tay thiện xạ.

Trong vòng 19 tháng tới, khả năng cao, Tô Lâm sẽ củng cố thêm quyền lực, và rất có thể, thế lực của Tô Lâm sẽ còn mạnh hơn nhiều lần thế lực ông Trọng trước đây.

Ông Trọng lên Tổng Bí thư do được các “bô lão” lúc đó chọn làm “thái tử”. Khi mới cầm quyền, ông không mạnh như khi ở đỉnh cao. Lúc đó, ông ở cửa dưới so với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vậy mà, chỉ một thời gian ngắn sau, ông đã trở thành vô địch trên chính trường, nhờ vào sự hậu thuẫn của Bắc Kinh.

Nhưng Tô Lâm chưa lên làm Tổng Bí thư mà đã có sức mạnh vượt trội, nếu được Bắc Kinh trọng dụng và hậu thuẫn, thì có thể nói, vị Tướng Công an này sẽ không còn đối thủ. Ông sẽ không ngán Trung ương Đảng, không ngán Bộ Chính trị, và tất nhiên, ông cũng chẳng xem 100 triệu dân ra gì.

 

Trần Chương – Thoibao.de