Ghế Chủ tịch nước lâu nay chỉ là chiếc ghế mang tính lễ nghi, không có thực quyền. Nó được xem là chiếc ghế hữu danh vô thực. Hầu hết những người bị đẩy vào ghế này, đều là những người thua cuộc, trong các cuộc tranh đoạt ngôi vị Tổng Bí thư. Lâu nay, người dân vẫn gọi ghế này là “giải an ủi”, chỉ là gỡ gạc đôi chút, sau khi để tuột mất số “độc đắc” – tức ghế Tổng Bí thư.
Lên ghế Chủ tịch nước, Tô Lâm chỉ có thể rơi vào một trong 2 khả năng – một là thành “cá nằm trên thớt”, hai là thành hổ chắp thêm cánh. Thế cá nằm trên thớt xảy ra khi mọi toan tính của Tô Lâm, để gầy dựng quyền lực cho nhóm Hưng Yên, đều thất bại. Thế hổ được chắp thêm cánh, là khi Tô Lâm thành công với mọi vị trí mà ông nỗ lực sắp xếp cho đàn em Hưng Yên.
Cho đến nay, thế của Tô Lâm không phải là thất bại hoàn toàn, mà cũng chưa phải là thành công mỹ mãn. Mới đây, Bộ Chính trị đã chính thức công bố: Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là một thành công lớn, và là một trong 2 nước cờ quan trọng mà Tô Lâm đang nỗ lực thực hiện. Nước cờ còn lại là đưa Lương Tam Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an. Cho đến thời điểm này, kế hoạch của Tô Lâm xem như đã thành công được 50%, 50% còn lại phải chờ kết quả đấu đá.
Như vậy, cho đến thời điểm này, có thể thấy, Tô Lâm khó mà thành “cá nằm trên thớt”. Ông vẫn đang làm chủ cuộc chơi, và rất có thể, Tô Lâm sẽ là một Chủ tịch nước quyền lực nhất từ trước tới nay, nếu thành công đưa Lương Tam Quang lên Bộ trưởng.
Ngay từ khi mới nhận chức Bộ trưởng Công an, vào năm 2016, Tô Lâm đã manh nha tạo ra luật chơi mới. Đến đầu năm 2024 này, ông đã cho quân bắt bớ hàng loạt tham quan cấp tỉnh, mà không đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Cẩm Tú.
“Đánh nhanh, đánh úp, và đạp đổ quy trình của ông Tổng, xem như, Tô Lâm đã tạo ra luật chơi mới.”
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, khi Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, ông có tiếp tục tạo ra luật chơi mới hay không? Hay là ông an phận thủ thường như bao đời Chủ tịch nước trước đây?
Tô Lâm vẫn đang tiếp tục thực hiện ý đồ, và chỉ mới thành công được một số vị trí. Nếu thành công ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an thì việc Tô Lâm tiếp tục tạo ra luật chơi mới, là hoàn toàn có thể, và bằng cách này, Tô Lâm đã làm cho các nhóm lợi ích khác phải khiếp sợ và phục tùng. Có khả năng, với bản chất võ biền, Tô Lâm sẽ áp đặt bạo lực mạnh hơn, so với thời Tổng Trọng, nếu ông có đủ quyền lực.
Có lẽ, trong triều đại của Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước, ghế này sẽ không còn là “hữu danh vô thực” nữa. Ý đồ của Tô Lâm là cài người vào Ban Bí thư, để kiểm soát phe Tổng Trọng. Chiếm lấy ghế Bộ trưởng Bộ Công an cho đàn em Hưng Yên, rồi mạnh tay quẳng những kẻ không phục vào “lò”. Vừa khống chế Tổng Bí thư, vừa khống chế cả Trung ương Đảng, ý đồ của Tô Lâm đã hiện ra rất rõ ràng.
Thế mạnh của Tô Lâm là bắt người bỏ tù. Điều tra sân sau moi ra vết đen quan chức, thủ sẵn, như là thứ vũ khí lợi hại dùng để điều khiển đối tượng. Và Tô Lâm cũng chỉ có thể dựa vào thế lực này để xây dựng sức mạnh chính trị. Sự lớn mạnh của Tô Lâm đồng nghĩa với việc tất cả đều bị đe dọa, không chỉ có toàn dân bị đe doạ nhiều hơn, bị bắt bớ nhiều hơn, mà toàn Đảng cũng đang bị đe dọa. Đấy là viễn cảnh, nếu Tô Lâm thành công 100% trong việc bố trí quân cho nước cờ lớn.
Thái Hà – Thoibao.de