Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Bộ Công an vẫn chưa kết thúc. Ngày 22/5, Tô Lâm bị Phạm Minh Chính tung đòn bất ngờ, tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là đòn hiểm, bởi thông thường, muốn tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an thì Bộ Chính trị và Ban Bí thư ra tay trước. Tuy nhiên, không biết vì sao, lần này, bên Đảng lại không thể lấy lại được chức của Tô Lâm?
Sự kiện ngày 22/5, khi Phạm Minh Chính dùng quyền lực nhà nước để tước quyền Tô Lâm, là cách làm vượt mặt Bộ Chính trị. Về trật tự quyền lực trong Đảng, đáng lẽ Phạm Minh Chính không thể làm như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn làm, mà không những không bị kỷ luật, có khi lại còn được hoan nghênh. Bởi Phạm Minh Chính đã ra tay cứu Bộ Chính trị một bàn thua trông thấy. Bởi không ai trong Bộ Chính trị muốn Tô Lâm vừa nắm chức Chủ tịch nước, lại kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an.
Kế hoạch kiêm nhiệm cả Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an, xem như là phương án A của ông Tô Lâm. Phương án này đã bị Phạm Minh Chính làm cho thất bại. Khi nhiều người đang vui mừng ra mặt trước thất bại của Tô Lâm, thì mới đây, ông tung ra phương án B – giành vị trí Bộ trưởng Công an về tay đàn em Hưng Yên của ông.
Ngày 28/5 vừa qua, Tô Lâm đã giật dây cho Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, triệu tập một cuộc họp của Đảng ủy Công an Trung ương, để tổ chức bầu chọn ứng viên, đại diện cho Bộ Công an ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ này.
Kết quả, Bộ Công an chọn Lương Tam Quang để giới thiệu, và gửi văn bản cuộc họp này lên Bộ Chính trị, đề nghị xem xét và chấp thuận. Đây được xem là phương án B, thay thế cho phương án A đã thất bại của Tô Lâm.
Như vậy, dù bị Phạm Minh Chính đánh cho thất bại phương án A, thì chỉ sau một thời gian ngắn, Tô Lâm lại tung tiếp phương án B. Cho thấy, sức chiến đấu của Tô Lâm rất mãnh liệt.
Phương án B này khiến phe đối lập khó đối phó hơn phương án A. Để vô hiệu hoá phương án này, cần Tổng Trọng và cả Bộ Chính trị hợp sức lại, may ra mới có thể giải quyết. Cá nhân ông Thủ tướng không đủ sức để hóa giải.
Theo tiền lệ, Bộ Chính trị hoàn toàn có thể gạt bỏ Lương Tam Quang, mà chọn một Ủy viên Bộ Chính trị cho vị trí Bộ trưởng Công an. Điều này phù hợp luật Đảng, cũng như hợp với thông lệ từ trước đến nay. Như vậy, tại sao Bộ Chính trị lại không bày tỏ thái độ đối với phương án B của ông Tô Lâm? Phải chăng, Bộ Chính trị tiếp tục muốn ban ân huệ cho phe Tô Lâm? Hay là Bộ Chính trị đã buộc phải lùi bước, trước áp lực nào đấy từ phía Tô Lâm.
Hiện nay, Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng có đến 8 người là uỷ viên Bộ Chính trị. Nếu họp Bộ Chính trị, phe ông Tổng sẽ áp đảo các phe phái khác. Vậy mà, ông Trọng không loại Lương Tam Quang ngay từ đầu, mà lại để cho một Lương Tam Quang thấp bé, có thể hiên ngang đòi hỏi chức Bộ trưởng Công an.
Điều đáng nói là, Tổng Trọng cũng là Ủy viên Đảng uỷ Công an Trung ương, và ông có quyền lực còn hơn cả Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương. Vì vậy, việc Tô Lâm giật dây Đảng uỷ Công an Trung ương, để triệu tập cuộc họp khiến ông Trọng hoàn toàn bị động, và thành công dẫn dắt cuộc họp này chọn Lương Tam Quang, là hành động coi thường ông Tổng rất rõ.
Phải chăng, giờ đây, quyền lực của ông Tổng đã không còn đủ để bảo ban “đàn em” trong Đảng ủy Công an Trung ương?
Cuộc họp Đảng uỷ Công an Trung ương ngày 28/5, rõ ràng là hành động “nổi loạn”, chống lại ông Tổng và Bộ Chính trị. Ấy vậy mà, với vai trò là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Trọng lại bất lực, để cho cuộc họp này diễn ra.
Xem ra, nhiệm vụ trừ bỏ phương án B của Tô Lâm là không dễ đối với ông Tổng Bí thư.
Trần Chương – Thoibao.de