Ngày 26/5, BBC Tiếng Việt có bài “Cán bộ sợ trách nhiệm: hệ quả từ chiến dịch “đốt lò”?”
Theo đó, tình trạng các quan chức sợ trách nhiệm, không dám ra quyết định ngày càng phổ biến, trở thành một “nạn dịch”. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là tác dụng phụ từ chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Trọng.
BBC dẫn phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/5, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, phản ánh rằng, nhiều cán bộ, công chức và viên chức có thái độ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong quá trình làm việc.
“Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua.”
Theo BBC, đã có nhiều chuyên gia đánh giá rằng, việc các nhà chức trách sợ trách nhiệm, hay không dám ra quyết định, là do sợ chiến dịch “đốt lò”, cũng như tình trạng đấu đá nội bộ.
BBC dẫn một bài viết trên một kênh truyền thông quốc tế lớn, đánh giá rằng, các cuộc đấu đá nội bộ ở chính trường VIệt Nam, đã “làm chậm lại một cách đáng kể các hoạt động của chính quyền, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và khiến hàng tỷ đô la từ nguồn vốn công và từ nước ngoài bị đình trệ, gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
BBC cũng dẫn bài viết ngày 17/5, của tác giả David Hutt đăng trên một tạp chí quốc tế, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á phân tích về ảnh hưởng của chiến dịch “đốt lò” tới kinh tế. Theo ông Hutt, chiến dịch “đốt lò” đã làm suy yếu nền kinh tế, vì
“Quan chức bây giờ đang trì hoãn các quyết định quan trọng, vì sợ bị khiển trách về việc làm thất thoát tiền nhà nước.”
BBC cho biết, những ý kiến kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là từ sau thời điểm ông Võ Văn Thưởng mất chức, vào cuối tháng 3.
Các nhà quan sát, hoặc là nhắc tới việc bộ máy hành chính Việt Nam sẽ ngày càng “trì trệ”, hoặc là nhắc tới sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
BBC dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, rằng, dù từng là một điểm đầu tư hấp dẫn nhờ yếu tố chính trị ổn định, nhưng Việt Nam đang dần mất đi lợi thế này.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt ra nghi vấn về tình hình ổn định chính trị ở Việt Nam”, ông nói.
BBC nhận xét, điều này không quá ngạc nhiên trong bối cảnh cụm từ “bất ổn chính trị”, liên tục được báo chí quốc tế sử dụng khi nhắc tới Việt Nam.
BBC nhắc tới bài viết ngày 17/5, của một hãng tin quốc tế, cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng sở hữu chứng khoán, có giá trị khoảng gần 2 tỷ USD.
Việc rút vốn bắt đầu từ đầu năm 2023, và những đợt rút vốn ròng lớn nhất diễn ra trong các tuần có biến động chính trị. Tuần tồi tệ nhất bắt đầu từ ngày 26/3, sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào ngày 20/3.
BBC cho hay, một bài viết đăng ngày 22/5 trên NikkeiAsia, cũng nhắc tới khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam.
Theo đó, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại, khi các dự án của họ bị trì hoãn.
BBC cũng đề cập đến một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới Chính phủ Việt Nam, được một hãng tin quốc tế loan tải ngày 16/5.
Bức thư nêu rõ, Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.
Theo hai quan chức nước ngoài được hãng tin trên phỏng vấn, những yếu tố trên liên quan trực tiếp tới chiến dịch “đốt lò” của Tổng Trọng.
BBC cho biết thêm, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua.
Theo thông tin do Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024 đạt 16,41% tổng kế hoạch, và đạt 17,46% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
So với cùng kỳ năm 2023, thì giải ngân năm nay có tăng, nhưng vẫn khiêm tốn.
Quang Minh – thoibao.de