Ngày 25/5, BBC có bài bình luận “Chủ tịch nước Tô Lâm: Ghế Tổng Bí thư có dễ dàng?”
Theo đó, sau khi ông Tô Lâm bước vào “Tứ Trụ”, nhiều nhà quan sát quốc tế quan tâm về khả năng kế nhiệm chức vụ Tổng Bí thư của ông.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó là một lộ trình gập ghềnh. BBC dẫn bài viết đăng tải ngày 21/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng, Đại tướng Tô Lâm là một “ứng cử viên nổi bật”.
“Vị trí Bộ trưởng Công an trước đó của ông Tô Lâm đã khiến ông có sức ảnh hưởng đáng kể tới các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả ủy viên Trung ương Đảng.”
“Tuy nhiên, sự thăng tiến của ông còn phụ thuộc vào người kế nhiệm [chức Bộ trưởng Công an].”
BBC cũng dẫn ý kiến của bà Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản), đăng trên NikkeiAsia ngày 22/5:
“Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong Bộ Công an sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định, liệu ông có thể trở thành Tổng Bí thư hay không.”
Hiện vẫn chưa có ai ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Công an còn trống. Thứ trưởng Thường trực Trần Quốc Tỏ đang được phân công điều hành hoạt động của bộ này.
Ngoài ông Tô Lâm, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng sẽ là một ứng cử viên đáng chú ý cho chức vụ Tổng Bí thư, đặc biệt là khi ông này được “lịch sử ủng hộ”.
BBC cho biết, ở đây, ông Hiệp đang nói trường hợp cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã nhậm chức Tổng Bí thư từ vị trí Thường trực Bộ Chính trị – tương đồng với Thường trực Ban Bí thư bây giờ. Hơn nữa, ông Lê Khả Phiêu cũng là tướng quân đội, như ông Cường.
Việt Nam đến nay chưa có vị Tổng Bí thư nào xuất thân từ công an.
Theo ông Hiệp, chính xuất thân từ ngành công an có thể là một điểm bất lợi cho ông Tô Lâm.
BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, rằng, tham vọng trở thành Tổng Bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ, ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.
BBC cũng đề cập đến những vụ việc được coi là “vết đen” trong sự nghiệp của Tô Lâm, như: bữa tiệc bò dát vàng; vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017.
Hơn nữa, theo BBC, có nhiều ý kiến đánh giá rằng, việc Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước càng ngày càng củng cố hình ảnh “nhà nước công an trị”.
Có thể, đây cũng sẽ là một điểm nữa, khiến Đảng phải cân nhắc kỹ trường hợp của ông Tô Lâm cho vai trò Tổng Bí thư.
BBC cũng cho biết, ngay sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức, truyền thông Đức và Slovakia đã nhắc lại vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin (Đức) vào năm 2017. Hành vi này đã “gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đức và Việt Nam”.
BBC tiếp tục trích dẫn bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), đăng ngày 22/5 trên Financial Times, cho rằng, ông Tô Lâm có thể sẽ gặp khó khăn khi làm chủ tịch nước.
“Ông ấy chưa bao giờ giữ bất kỳ chức vụ nào ngoài ngành công an. Sẽ dần xuất hiện những câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông ấy, trong các vấn đề kinh tế và xã hội.”
BBC dẫn các quan điểm trái ngược về việc ổn định chính trị tại Việt Nam. Theo đó, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, việc đủ người trong “Tứ trụ” giúp ổn định chính trị; nhưng ông Florian Feyerabend – Trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu KAS, lại cho rằng, mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn tới khi người kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chọn.
Bên cạnh đó, BBC cho biết thêm, do lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng, bộ máy hành chính ở Việt Nam được cho là ngày càng trở nên “trì trệ”. Điều này đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Bài viết trên NikkeiAsia dẫn nhận định của Giáo sư Ryuichi Ushiyama, từ Đại học Keiai (Nhật Bản):
“Dù đã có những thay đổi chính trị, hệ thống chính quyền Cộng sản khả năng cao là sẽ không có gì thay đổi.”
Hoàng Anh – thoibao.de