Theo giới quan sát, mặc dù hai ghế “Tứ trụ” – Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – còn trống đã được bổ sung, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc đấu đá nội bộ trong Ban lãnh đạo cấp cao sẽ tiếp tục tiếp diễn, thậm chí ở mức độ cao hơn.
Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư giữa các ứng viên còn “sót lại”, đã có biểu hiện tăng tốc, khi còn 19 tháng nữa là Đại hội 14 sẽ khai mạc, vào đầu năm 2026.
Theo đó, trong 4 ứng viên hiện nay, ngoài Tổng Trọng – người gần đây không giấu diếm tham vọng ngồi lại ghế đứng đầu Đảng, thêm nhiệm kỳ thứ 4. Trong lúc, ông Trọng có biểu hiện cho thấy, ông có về vấn đề sức khỏe. Mới đây nhất, sau Hội nghị Trung ương 9, Tổng Trọng lại biến mất một cách bí ẩn, nhưng lần này có vẻ là có chủ đích.
Cuộc đua vào ghế Tổng, ngoài các nhân vật như Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng cần phải kể tới một “ngôi sao” mới nổi, đó là, Đại tướng Lương Cường. Ông Cường mới được đưa lên ghế Thường trực Ban Bí thư – nhân vật số 5 theo cấp bậc trong Đảng.
Theo giới quan sát quốc tế, nhiều dấu hiệu cho thấy, khả năng rất cao, tân Thường trực Ban Bí thư – Đại tướng Lương Cường, có thể dễ dàng trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm, nếu ông Trọng chịu rút lui.
Ngược lại, đối với ông Tô Lâm, cơ hội trở thành Tổng Bí thư là điều hết sức mong manh. Dù rằng, ông Tô Lâm – trên cương vị Chủ tịch nước, cũng có những ưu thế nhất định, đó là vị trí thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Nhưng để thành công, Tô Lâm cũng cần một điều kiện khắc nghiệt. Đó là, tân Bộ trưởng Công an – người sẽ ngồi vào chiếc ghế còn bỏ trống, phải là nhân sự chịu ảnh hưởng của ông Tô Lâm.
Đây là điều hoàn toàn không tưởng, bởi lý do, Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Đảng đã “ăn đòn” đủ, và nhớ đời về cuộc nổi loạn của ông Tô Lâm, kể từ đầu năm 2024 cho đến nay.
Giáo sư Nguyễn Văn Chữ từ Hoa Kỳ, đã đưa ra cảnh báo:
“Nếu mà ông Tô Lâm nắm được Bộ Công an và giữ chức vụ Chủ tịch nước, ông ta sẽ dùng chính lời của ông Trọng về “trách nhiệm của người đứng đầu”, để đẩy ông Trọng ra đi, trước cuối năm nay. Lý do là, nếu ông Trọng còn ngồi ghế Tổng Bí thư, thì ông Trọng sẽ không giới thiệu ông Tô Lâm kế nhiệm ông ta.”
Hơn nữa, thực tế cho thấy, ông Tô Lâm đã không thành công khi đề cử người của mình vào Bộ Chính trị, để đoạt ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế, khả năng rất cao, Tô Chủ tịch sẽ phải chống lại các nỗ lực rất lớn, đang đe dọa ông ta, và có nguy cơ, sẽ bị gạt ra khỏi cuộc đua. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, “Ông Tô Lâm khó có thể “sống sót”, vì ông đã có quá nhiều kẻ thù”. Chỉ riêng cái Công ty Xuân Cầu của em trai ông Tô Lâm, cũng đủ để những người khác đẩy ông ấy xuống rồi.
Theo Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, sau khi rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đã suy giảm quyền lực đáng kể, và khó có thể hạ được Thủ tướng Phạm Minh Chính – một đối thủ nặng ký.
Những phân tích trên hoàn toàn phù hợp với đánh giá của Giáo sư Chữ:
“Nếu ông Tô Lâm ra đi, thì ông Phạm Minh Chính thừa hưởng hết, và ông Chính lợi nhất.”
Giáo sư Chữ giải thích, ông Phạm Minh Chính là người rất là tâm cơ. Ông rất giỏi cái chuyện này. Ông Vương Đình Huệ hay “làm thinh”, nhưng rốt cục vẫn bị kẹt, nhưng ông Chính thì khác. Khi mọi người đang “đấm nhau”, thì dường như ông Phạm Minh Chính đứng yên. Nhân vật đáng lo lắng phải là ông Tô Lâm, chứ không phải ông Chính.
Việc ông Phạm Minh Chính là người ký quyết định cho ông Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an – một đối thủ trước đây của Tô Lâm, nắm quyền điều hành Bộ Công an, đã thể hiện rất rõ ý đồ của Thủ tướng Chính.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Chính – một ứng viên đang cố gắng để thay thế Tổng Trọng, hoàn toàn không suôn sẻ. Không phải chỉ do cái gốc tướng lĩnh Bộ Công an trước đây, mà ông Chính còn là người do ông Ba Dũng đưa lên, cũng là hạn chế rất lớn.
Hơn thế nữa, ông Chính có scandal về quan hệ trên mức tình cảm với bà “trùm” Nguyễn Thị Thanh Nhàn, và vấn đề tham nhũng của bà. Nếu các đối thủ của ông Chính lôi lại vấn đề này, và sử dụng làm cái cớ để hạ bệ, thì ông Chính cũng khó thành công.
Nhiều chỉ dấu cho thấy, Tổng Trọng đang dựa vào lực lương Quân đội, không chỉ làm đối trọng, mà còn để kiểm soát ngành Công an. Do đó, có thể tin rằng, Đại tướng Lương Cường là người có lợi thế nhất, để trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14, với điều kiện Tổng Trọng chịu rút lui khỏi cuộc chơi./.
Trà My – Thoibao.de